Nhớ bác Tám…

Thứ Hai, 29/01/2018 | 17:15

Xét về vai vế theo tuổi tác, soạn giả Trọng Nguyễn đáng tuổi ông bà tôi, thế mà có lần tôi nói như vậy, ông cười thật hiền rồi bảo “kêu chú hay bác được rồi, cho nó trẻ”. Rồi tôi gọi ông bằng bác Tám, có khi bỏ luôn chữ bác để gọi thân thương theo cách gọi Nam bộ là “Tám”. Hễ mỗi lần nghe ai “xúi” sáng tác vọng cổ nữa đi, bác bảo “già rồi, để tụi trẻ nó tấn lên”… Những mẫu chuyện vui về đời, về nghiệp mà tôi biết được từ bác Tám cứ như sống lại khi tôi đứng trước di ảnh ông hôm nay.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi và chúc tết soạn giả Trọng Nguyễn tại nhà riêng (năm 2017). Ảnh: H.T 
Dẫu biết vòng quay sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của cuộc đời, nhưng với những con người đã sống và làm cho tên mình sống mãi, bằng những đóng góp cho xứ sở, quê hương…, thì sự ra đi luôn gây niềm tiếc thương sâu đậm! Là lớp người hậu bối, tôi chỉ biết về ông qua lời kể, và hiểu ông nhiều hơn qua những vở cải lương, cùng hàng trăm bản vọng cổ ông để lại cho đời. Năm nào cũng vậy, hễ đến những dịp như kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, hoặc làm báo xuân, thì câu chuyện xoay quanh bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn thường được chúng tôi “khai thác”. Viết hoài, đăng đã nhiều lần mà vẫn thấy như chưa đủ... vì lần nào lặp lại, câu chuyện ấy vẫn vẹn nguyên cảm xúc trong ngòi bút người viết và là những bài viết khiến độc giả muốn đọc!
Trước vong linh của bác Tám, tôi thật lòng gửi một lời xin lỗi! Khi bắt tay vào thực hiện báo xuân năm nay, tôi nguyện với lòng, phải viết một bài về cuộc đời soạn giả Trọng Nguyễn để bác đọc được khi - còn - sống, vì thấy năm nay bác yếu quá, bệnh triền miên (chứ không phải giờ này, khi bác đã đi một chuyến không về, cách biệt dương gian thì mới ngồi vào viết, Tám có đọc được đâu). Thế mà, tôi đã không thực hiện vì hay đồng nghiệp có viết bài liên quan đến bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” (trên ấn phẩm Báo Bạc Liêu Xuân Mậu Tuất 2018, bài Gặp lại nhân chứng trong “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn). Dù vậy, “Kính thưa bác Tám, con đã nợ bác vĩnh viễn một bài viết về cuộc đời một người mà con đã xây thành tượng đài riêng trong lòng vì những gì bác đã để lại cho đất vọng cổ này!”. Tượng đài ấy, tôi tin rằng, có bao nhiêu câu chữ thì vẫn không nói cho đủ đầy. Cho nên bây giờ, những dòng này cũng chỉ thay lời vĩnh biệt một chuyến đi của thân xác, chuyến đi không thể giữ lại vì quy luật; chứ còn tâm hồn, tình cảm và những mật ngọt bác Tám để lại cho đời, chắc chắn là không có cuộc chia tay nào. Vì những điều đó mãi ở lại với đời!
Đứng trước di ảnh rất thật và đẹp, ánh mắt như gửi nụ cười hiền quen thuộc mới hôm nào, khó mà kìm nén được lòng mình! Tôi ngồi ghi vài dòng vào sổ tang trong đám tiễn đưa soạn giả Trọng Nguyễn mà tay run lên, chợt như thước phim quay chậm bật lên từ tâm thức: nhớ những lời ca vọng cổ chứa chan ân tình mang dáng hình bao nhiêu vùng đất nơi ông đã đi qua và tạc vào lời ca tiếng hát, nhớ một tâm hồn nghệ sĩ lãng đãng, phiêu du với cuộc đời để làm kiếp con tằm dệt tơ vàng óng ánh dâng đời, nhớ hình ảnh một ông soạn giả khi lên sân khấu thì ưa ôm hôn thắm thiết những đồng nghiệp, nghệ sĩ bằng phong cách rất dễ thương, rất… Tám Nguyễn, nhớ một ông già lúc tuổi xế chiều hay ngồi một mình hướng về một cõi xa xăm. Bác Tám ơi, đây không phải là lần cuối con nghiêng mình trước di ảnh của bác, và đâu chỉ riêng con, mà tất cả những bè bạn, anh em, đồng đội, đồng chí và giới mộ điệu khắp đất nước này, nhất là miền ĐBSCL - nơi in dấu chân bác đi qua và để lại những lời ca; sẽ còn mãi thành tâm tưởng nhớ về bác Tám với những cảm tình đâu dễ phôi pha. Những “Ơn Đảng”, “Bạc Liêu ngày ấy”, “Giọt sữa cuối cùng”, “Chợ Mới”, “Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn”, “Bên sông Vàm Cỏ”… của bác Tám từ khi được bật thành vọng cổ cũng đã hóa thành bất tử trong kho tàng vọng cổ, cải lương Nam bộ trên đất nước mình.
Cẩm Thúy

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.