Nhớ “Mùa thu rồi ngày hăm ba…”

Thứ Sáu, 22/09/2017 | 14:37

Trong những bản tình ca đỏ - những ca khúc cách mạng của âm nhạc Việt Nam - có một ca khúc ra đời rất “thời sự”, mang tính cổ động lớn đối với cuộc kháng chiến chống Pháp, ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập không lâu. Đó là ca khúc “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. Mỗi mùa thu về, lời ca khúc lại trỗi lên hùng hồn nhắc nhớ về sự kiện Nam bộ kháng chiến - ngày 23/9/1945. Riêng ở Bạc Liêu, những bước chân dồn dập ra đi “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” cũng trở thành những thời khắc oanh liệt trong sử vàng.

DƯ ÂM MỘT KHÚC CA
Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn  sinh năm 1921, người con của huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), ông sinh ra trong một gia đình là chủ hãng rượu lớn nhất miền Tây Nam bộ và cũng là gia đình giàu có nhất vùng Trà Ôn hồi ấy. Tuy xuất thân gia đình giàu có nhưng Tạ Thanh Sơn là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng và tham gia vào các phong trào học sinh - sinh viên yêu nước ở Cần Thơ. Sau đó, Tạ Thanh Sơn là một nhà giáo tham gia kháng chiến từ năm 1945, và ca khúc “Nam bộ kháng chiến” đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, sự ra đi xuất phát rất đỗi tự nhiên mà lại rất hào hùng. Nhưng hãy xem cách đi của những người theo tiếng gọi non sông, người nhạc sĩ khi ấy cũng đang đứng trong hàng ngũ cách mạng nên tả rất thực, rất tự nhiên. Đó là những người “thuốc súng kém, chân đi không, mà lòng người giàu lòng vì nước. Nóp với giáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng”… Mới thấy, sự hào hùng đâu chỉ nhờ súng đạn tối tân, chỉ cần có lòng yêu nước thì với nóp, giáo và chân không vẫn vững tin bước vào cuộc chiến.
“Cờ thắm tung bay ngang trời, sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền, một lòng nguyện với tổ tiên…”. Dẫu đã là những thời khắc của quá khứ, nhưng hễ nghe trỗi lên những ca từ này, cứ như trước mắt ta là một thước phim sinh động, đến mức nhìn thấy được, cảm nhận được khí thế ngất trời của đoàn quân  kháng chiến. Tài của người nhạc sĩ hay chính là tâm của người con dân tộc, ca từ được viết ra xuất phát từ trái tim, mà điều gì xuất phát tự trái tim sẽ chạm được tới trái tim của mọi người. “Nam bộ kháng chiến”, khí thế ấy còn mãi với thời gian, khúc ca dù mấy mươi năm vẫn vẹn nguyên xúc cảm: “Thề quyết chống quân xâm lăng, ta đem thân ta liều cho nước, ta đem thân ta đền ơn trước, muôn thu sau lưu tiếng anh hào, người dân Việt lắm chí cao”. Đúng là lưu tiếng thơm muôn đời!

Một ca khúc cách mạng trong chương trình giao lưu văn nghệ “Bạc Liêu ta đi lên”. Ảnh: H.T

KHÍ THẾ BẠC LIÊU
Chiều 23/9/1945, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra lời kêu gọi: “Pháp đã xâm chiếm nước ta một lần nữa: độc lập hay là chết. Tất cả đồng bào già, trẻ, gái trai hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược…”. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, quân và dân Bạc Liêu đã đứng lên kháng chiến. Trong tình thế cực kỳ khó khăn, bất lợi buổi ban đầu do Pháp ồ ạt tái chiếm lần hai, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Đảng bộ Bạc Liêu đã kịp thời chấn chỉnh, đưa nhiều cán bộ, đảng viên và các đội du kích về bám đất, bám dân, phá tề, phát động phong trào nhân dân du kích chiến tranh trong toàn tỉnh, làm thất bại âm mưu xâm chiếm Nam bộ của Pháp.
Dân kháng chiến ở Bạc Liêu cũng y như hình ảnh “nóp với giáo mang ngang vai” trong khúc ca “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn! Đó là những người lính dũng cảm, sáng tạo, dựa vào sức mình là chính, cướp lấy vũ khí giặc mà giết giặc, tự chế tạo vũ khí, biết áp dụng “thủy lôi chiến” đánh chìm nhiều tàu sắt, buộc Pháp rút hàng loạt đồn bót ở nông thôn, mở rộng vùng nông thôn giải phóng, trên cơ sở đó tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.
Cùng với những đoàn quân Nam tiến kháng chiến chống Pháp tái chiếm miền Nam, Đảng bộ và quân dân Bạc Liêu trong 9 năm kháng chiến đã ghi vào lịch sử những trang sử vàng. Với những bước tiến quân thành công, Bạc Liêu đã góp phần cùng cả nước buộc địch ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút quân về nước, chấm dứt chế độ cai trị thực dân kiểu cũ trên đất nước ta, giải phóng miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn vững chắc tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Cái khí thế “ta đem thân ta liều cho nước, ta đem thân ta đền ơn trước, xây giang sơn hạnh phúc giống nòi, nền độc lập khắp nước Nam” làm cho ca khúc “Nam bộ kháng chiến” sống mãi với thời gian và oai hùng theo năm tháng… Trong những người con “ta đem thân ta liều cho nước” ấy, quân và dân Bạc Liêu cũng góp những bước chân hùng hồn theo tiếng gọi non sông thuở ấy.
CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.