Những dòng kênh… chết!

Thứ Hai, 12/03/2018 | 17:11

Tiếng xuồng máy xình xịch cứ vang rền cả một đoạn kênh. Khói tỏa đen ngòm từ chiếc máy chạy hết công suất. Mất hơn 20 phút, người điều khiển chiếc xuồng máy vẫn chưa qua được đoạn kênh nằm vắt ngang ấp Trà Co (thuộc địa phận xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình). Bực mình, người này chửi đổng đủ để người trên bờ nghe được. Chửi ai? Chắc là chửi dòng kênh… chết đang ngập ngụa trong lục bình và rác!
Mấy hôm nay, không riêng chiếc xuồng của anh ta, những xuồng máy đi ngang dòng kênh này đều mắc kẹt trong những đoạn kênh… chết. Có những đoạn kênh chẳng thấy nước đâu nữa, chỉ toàn lục bình với rác giăng mắc trên những thảm lá xanh. Trong khi đây là một trong những con kênh chính ở Trà Co, lấy nước ngọt từ thượng nguồn Quản Lộ Phụng Hiệp về tắm tưới cho ruộng đồng của bà con nơi này.

Một đoạn kênh ở ấp Trà Co kín mít lục bình gây khó khăn cho xuồng ghe đi lại. Ảnh: C.T


Kênh xáng Quản Lộ Phụng Hiệp đưa dòng nước ngọt mát lành về những nhánh kênh len lỏi khắp vùng châu thổ Cửu Long. Nước ngọt về nuôi nấng ruộng lúa, nuôi no ấm đời nông dân. Dòng nước ấy đã chảy vào đồng, rồi chảy vào thơ văn, cứ lênh láng và mênh mang đẹp bao đời nay… Nhưng cứ độ mùa này, ngọn gió trời lại khiến dòng kênh đẹp ấy mang những thứ “trái khoái” theo cùng. Đó là những giề lục bình trôi lênh đênh, mà đã có lần nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chắc là đứng ngắm rất kỹ, rồi đưa vào câu ca trong “Điệu buồn phương Nam”: “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi, thương những đời như lục bình trôi”. Những đời người mà như lục bình trôi thì buồn thê thiết! Còn lục bình trôi rồi tấp vào những dòng kênh, như những nhánh kênh vắt ngang Trà Co này thì cũng làm khổ cho người nông dân, và những người buộc phải qua những đoạn kênh đầy ắp lục bình!
Anh Bảy Thường chỉ xuống dòng kênh trước mặt nhà, than thở: “Dòng kênh đặc quánh lục bình như thế ghe xuồng nào mà qua được. Mấy ngày nay, ra đồng bơm nước hay bón phân gì cũng gặp khó, xuồng chạy máy không được, lục bình và rác cứ bám vào chân vịt. Chưa kể, một số người dân còn quăng rác thải xuống kênh. Lục bình làm kênh tắc nghẽn, rác không trôi đi đâu được, thế là có những đoạn kênh toàn rác bốc mùi hôi thối không chịu được. Người dân ở đây mấy năm trước còn hùn tiền mua thuốc diệt lục bình, giờ lục bình nở đầy mấy đoạn kênh, không biết bao nhiêu thuốc mới đủ diệt hết. Hết cách luôn! Sắp tới mùa thu hoạch, ghe mua lúa vào đây sẽ ép giá bà con vì vận chuyển khó khăn, biết là như vậy nhưng không biết làm sao để diệt lục bình”. 
Tôi xách xe chạy băng qua mấy đoạn kênh trong ấp rồi vòng qua con kênh chính chảy ngang địa phận hành chính của xã Minh Diệu. Đứng trên cầu Minh Diệu nhìn xuống dòng nước, chỉ còn thấy toàn một màu xanh của lục bình, và vắt vẻo trên những giề lục bình còn có hàng trăm thể loại… rác. Những thứ rác linh tinh, rác được cột bọc quăng bừa xuống sông trước đây nhờ dòng nước trôi đi, giờ đã mắc kẹt trong những giề lục bình dày đặc, mùi hôi bốc lên, ruồi nhặng bay là đà, phát khiếp! Một chiếc xuồng máy chở theo một ông già, một người phụ nữ và hai đứa nhỏ chừng 5 - 7 tuổi. Nắng trên đầu như đổ lửa giữa ban trưa mà lục bình dưới đáy xuồng cứ bịt kín không cho xuồng chạy, tiếng máy xình xịch nhả khói đen ngòm, mùi khen khét bốc lên. Cũng mất độ vài chục phút, chiếc xuồng mới qua được một khúc kênh. Hai đứa nhỏ quấy khóc, người phụ nữ cố gắng dỗ dành mãi, mồ hôi nhễ nhại trên trán người già, người trẻ!
Hoa lục bình tím ngắt một dòng sông là một bức tranh quê đẹp đã đi vào thi ca, nhạc họa, ống kính những người chụp ảnh... Nhưng, cây lục bình trôi từ xa xứ đổ về, rồi sinh sôi nảy nở xanh ngắt những dòng kênh, lấn át mất màu phù sa của nước thì không còn là bức tranh đẹp. Đẹp gì nổi khi dòng kênh “chết lâm sàng” bởi lục bình! Cũng có người tận dụng lục bình để nuôi cấy chúng trưởng thành sau đó biến thành nguyên liệu dùng vào nghề đan đát những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhưng tốc độ sinh sôi của nó quá mạnh. Thừa phần để người ta sử dụng. Để khơi thông dòng kênh, có vài hộ dân cũng tự lội xuống kênh vớt lục bình thảy lên bờ. Nhưng vớt hôm nay, hôm sau lại trở về y nguyên vậy! Mà không phải nhà nào cũng siêng làm việc đó. Như anh Bảy Thường đã nói, cũng có lúc người ta hùn tiền để mua thuốc tiêu diệt chúng. Nhưng đó vẫn không phải là cách tối ưu khi túi tiền bà con có hạn. Thế là lục bình trở thành thứ tạp chủng không trị tận gốc được, nó gây khó cho việc thông thương qua lại của xuồng ghe, bà con lo lắng lúa ép giá vì… lục bình làm ghe xuồng vận chuyển khó khăn, hao tốn xăng dầu, không phải là không có cơ sở. Thế nhưng, chỉ còn biết chờ qua mùa gió này để nó không trôi về đây và sinh sôi nảy nở làm kênh chết!
Chuyện khai thông những dòng kênh chết, anh Bảy Thường nói, chắc phải nhờ chính quyền địa phương vào cuộc, chứ bà con không đủ chi phí để làm. Trong lúc đó, anh cũng cho hay bản thân đã tham gia vận động những người dân dọc hai mé kênh không vứt rác xuống dòng kênh nữa. Dòng kênh đã chết "lâm sàng" bởi lục bình rồi, đừng khiến nó thêm nghẹt thở bởi rác thải, khổ đời người dân sống ven kênh chết, khổ lây đời dân tứ xứ lênh đênh trên sông nước khi phải đi ngang những khúc kênh này.

Ghi chép của Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.