Những lễ hội truyền thống đặc sắc của người Hoa trong tháng Giêng

Thứ Sáu, 23/02/2018 | 16:05

Đối với cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu, tháng Giêng được xem là “tháng của lễ hội” và vui xuân. Vì vậy trong tháng Giêng, người Hoa hay tổ chức các lễ hội dân gian. Đây không chỉ là thời gian để mọi người vui chơi sau một năm lao động vất vả, mà còn là dịp để giáo dục con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Một trong những lễ hội lớn được cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu tổ chức hoành tráng là lễ Vía Ngọc Hoàng vào mùng 9 tháng Giêng và Tết Nguyên tiêu vào đêm Rằm tháng Giêng. Sở dĩ, cộng đồng người Hoa xem trọng hai lễ hội này là vì ngoài mong muốn trời đất, thánh thần phò hộ cho một năm mới được “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà khang lạc”, các lễ hội này còn được gắn với các thú chơi dân gian được tổ chức trong những ngày diễn ra lễ hội.

Dán câu chúc phúc lên tháp đường ở Triều Quang Sùng Thiện Đường (phường 1, TP. Bạc Liêu) trong ngày lễ Vía Ngọc Hoàng vào mùng Chín tháng Giêng. Ảnh: L.D


Cụ thể, vào mùng 9 tháng Giêng, cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu có tục thỉnh tháp đường gắn với những câu chúc phúc tốt lành được tổ chức hàng năm ở Triều Quang Sùng Thiện Đường (phường 1, TP. Bạc Liêu). Đó là hàng trăm cái tháp đường được gắn số thứ tự từ 1 đến hàng trăm (tùy theo số lượng người đăng ký thỉnh tháp). Các tháp đường này được đem đi cúng ở tất cả các bàn thờ, rồi sau đó đem về tập trung để trước bàn Tam bảo, Ban Trị sự của chùa sẽ tổ chức bốc câu chúc mang tính ngẫu nhiên. Nếu năm đó có hơn 1.000 tháp đường được thỉnh cúng thì Ban Trị sự sẽ đưa ra 1.000 câu chúc phúc. Hình thức bắt câu đối mang tính ngẫu nhiên mà trong ý nghĩ của những người đi thỉnh tháp đường thì những câu chúc phúc ấy là do thánh thần ban tặng. Đó là một người đọc số thứ tự gắn với tên họ của người đi thỉnh tháp đường (được dán trực tiếp trên tháp đường) và một người khác thì bốc ngẫu nhiên một câu đối được đựng sẵn trong thùng. Như số 1 - ông Trần Văn Thành, bốc được câu “Vạn sự như ý” thì người ta sẽ lấy câu chúc này dán lên tháp đường của ông Trần Văn Thành. Điều đáng lưu ý là tất cả những câu chúc trên đều mang ý nghĩa tốt lành, khuyên dạy về đạo lý làm người, đối nhân xử thế, nỗ lực vượt qua khó khăn, thi đua lao động - sản xuất, chăm lo học hành... Chính vì vậy, nhiều gia đình người Hoa ở Bạc Liêu năm nào cũng muốn đi thỉnh tháp đường để nhận được những câu chúc phúc tốt lành, bởi đây không chỉ là thú vui trong tháng Giêng, mà còn hun đúc thêm niềm tin về sự may mắn, tốt lành để hăng say lao động, nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống...
Tết Nguyên tiêu cũng được xem là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của cộng đồng người Hoa. Bởi ngoài ý nghĩa trẩy hội, vui xuân, Nguyên tiêu còn được xem là tết của tình yêu, cầu phúc, cầu lộc và gửi gắm ước vọng cho một năm mới an khang, phát tài. Xuất phát từ ý nghĩa này, khi đến các chùa, miếu của người Hoa ở Bạc Liêu trong dịp Nguyên tiêu, đâu đâu cũng thấy đèn lồng đỏ treo lủng lẳng từ cổng chính cho đến không gian chính của nơi thờ tự. Rồi trên các bàn thờ là những bánh kẹo đậu phộng to bao giấy đỏ và trên mỗi bánh kẹo được dán một chữ cắt bằng giấy vàng kim với nhiều ý nghĩa tốt lành như: Phúc, Lộc, Thọ, Tài, An, Khang, Lạc… cùng với đó là những mâm cam, quýt chất đầy màu vàng tươi. Sở dĩ có tục cúng này là vì nó liên quan đến một số phong tục và tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa hay tổ chức ngay đêm Tết Nguyên tiêu như: đề câu đối trên đèn lồng, đấu đèn, vay tiền và vay quýt ông Bổn…
Có thể nói, những hình thức vui lễ hội trên đều mang đậm tín ngưỡng dân gian và phản ánh sinh động khát vọng phồn thực, mong muốn một năm mới kiết tường, như ý để cùng nhau thi đua lao động - sản xuất làm giàu cho chính mình và quê hương, đất nước.
Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.