Ông Tám “bụt”

Thứ Hai, 16/04/2018 | 15:20

Xóm tôi, đứa nào cũng quý và gọi ông với cái tên gần gũi, thân thiện là “ông Tám bụt”. Ấy là bởi những gì mà một người thương binh ở tuổi xế chiều như ông Tám, sau khi cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước giờ lại đang dành trọn quãng thời gian quý giá còn lại của đời mình trong thời bình để sống vì người khác, sống cho người khác.

Nhà tôi ở sát bên nhà ông. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp và giúp đỡ ba mẹ những công việc nhà, đám trẻ chúng tôi vẫn thường tụ tập, rủ nhau sang nhà ông chơi. Tôi thích nhất là được ông kể cho nghe chuyện đánh giặc ngày xưa, thấy tự hào biết mấy về thế hệ cha ông đi trước đã không tiếc máu xương để chúng tôi có được cuộc sống yên bình như hiện tại. Tôi bùi ngùi khi nhìn vào cánh tay phải đã bị cụt đến ngang khuỷu, một bên mắt trái đã mù, rồi vô số những vết thương đã liền sẹo trên người ông. Những chiến tích ông cùng đồng đội của mình lập được lại được ông kể một cách hồ hởi, nhẹ thênh trong giọng cười sảng khoái, rưng rưng. Có khi đang kể, giọng ông bỗng trầm xuống, nghẹn ứ, nói chẳng nên lời khi nhắc đến những người bạn đã nằm lại trên chiến trường khói lửa. Những câu chuyện đã từ rất lâu, rất lâu... ấy thế mà từng chi tiết, từng hình ảnh vẫn được ông tái hiện cụ thể, nguyên vẹn như mới vừa hôm qua.


Bà tôi kể, thời gian đầu khi từ chiến trường trở về, ông Tám mang trên mình nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Sự mất mát của bản thân khiến ông khước từ tất cả, kể cả hạnh phúc của đời mình. Mặc cho gia đình, người thân khuyên nhủ, động viên, ông vẫn nhất mực không lập gia đình. Ông bảo, lấy vợ chỉ thêm khổ cho người ta. Thà ở vậy, mỗi khi trái gió trở trời, mình mình đau, mình mình chịu. Ông vẫn lao động trên chính đôi chân khập khiễng và cánh tay còn lại, vẫn nhìn đời bằng con mắt yêu thương, thông cảm. Chúng tôi quý ông không chỉ bởi ông là một pho tàng lịch sử sống động, mà còn bởi tấm lòng của một người thương binh già luôn nghĩ đến những học trò nghèo. Cứ thế... ông sống như một ông bụt giữa đời thường!
Nhiều người bĩu môi: “Đã tật nguyền lại còn đèo bòng”. Nhiều người lại cho rằng việc ông Tám làm là “vác tù và hàng tổng”. Đến cả những người thân trong gia đình cũng chẳng ai ủng hộ việc làm của ông. Thế nhưng, ông vẫn một mình lặn lội tìm cách vận động các cá nhân, tổ chức và trích cả tiền trợ cấp thương binh của mình để quyên góp, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đám trẻ ấy có tôi. 
Nhà tôi nghèo nhất nhì trong xóm. Ba mẹ chật vật cả năm với mấy công ruộng theo mùa cũng chỉ lo đủ cơm cho cả nhà ăn trong năm, ấy là khi mưa thuận gió hòa, còn nếu mưa bão thất thường thì... Anh Hai tôi thương ba mẹ nên đã nghỉ học giữa chừng lên thành phố làm công nhân. Ba cũng lặn lội làm thợ “đụng” hết mùa này tháng khác. Mẹ đau bệnh quanh năm. Thấy vậy, đang học lớp 8, tôi cũng định nghỉ học. Nhưng rồi ông Tám sang nhà thuyết phục ba mẹ cho tôi được tiếp tục đến trường. 
Ông bảo, thời của ông sinh ra trong loạn lạc, không được học hành tử tế đã đành, giờ là thời bình rồi thì dù khó khăn thế nào cũng phải học. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước nên cần được chăm lo, vun đắp. Học để sau này thoát cảnh nghèo, để thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình cũng là để kiến thiết đất nước nữa. Ông giúp ba mẹ tôi trả khoản học phí trên trường, ông mua sách, tập, viết để tôi có đầy đủ đồ dùng học tập, và ông còn thường xuyên sang nhà động viên tôi cố gắng học tập. Việc làm tử tế của ông Tám cứ thế lan xa. Xóm trên xóm dưới, gia đình nào có hoàn cảnh tương tự đều được ông chia sẻ, giúp đỡ. Nhiều học trò nghèo trong xóm, trong vùng đã đỗ đạt, thành tài vẫn không thôi về thăm, nhớ đến công ơn của ông thuở còn khó khăn được ông nâng đỡ. 
Có lần vì tò mò, tôi đánh bạo hỏi: “Vì sao ông Tám lại giúp đỡ những người nghèo nhiều như vậy?”. Ông Tám xoa đầu tôi cười: “Tuổi ông già rồi, sống nay chết mai. Còn làm được gì giúp đời, giúp người thì cứ gắng làm thôi. Thấy các cháu được đến trường học hành, thực hiện được hoài bão, ước mơ của mình, đó là hạnh phúc của ông rồi!”. Nghe lời ông tâm sự, tôi càng thêm kính trọng ông, và càng thêm tin yêu cuộc sống này.
Lê Xuyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.