Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017: Làm cho ngày hội thật sự có sức lan tỏa đến từng phum sóc

Thứ Tư, 08/11/2017 | 14:54

Trung tuần tháng 11, tại Bạc Liêu sẽ diễn ra Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII (gọi tắt là ngày hội). Đây là sự kiện có ý nghĩa và quy mô lớn được các tỉnh, thành phố Nam bộ tổ chức luân phiên 3 năm/lần. Về mục đích, quy mô của việc tổ chức ngày hội lần này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam, Trưởng Ban tổ chức ngày hội, cho biết:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam, Trưởng Ban tổ chức ngày hội. Ảnh: H.T

Bạc Liêu đăng cai tổ chức lễ hội này với mục đích làm cho ngày hội thật sự có sức lan tỏa đến tất cả đồng bào, xuống tận các phum sóc. Đây là ngày hội được tổ chức định kỳ 3 năm/lần nên phải làm sao cho có sự tươi mới, tạo không khí rộn ràng, vui tươi trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer Nam bộ. Năm nay Bộ VH-TT&DL tổ chức 6 lễ hội cấp quốc gia thì trong đó Bạc Liêu vinh dự được đăng cai tổ chức một lễ hội lớn và lễ hội này sẽ diễn ra từ ngày 17 - 19/11. 
Về quy mô, 12 tỉnh, thành phố Nam bộ có đồng bào Khmer sinh sống đều đăng ký tham gia. Do đây là lễ hội cấp quốc gia, nên các hoạt động tổ chức cũng như điều kiện, thể thức thi đấu, các quy chế đều xây dựng trên nền cấp quốc gia và được thông qua Bộ VH-TT&DL. Khách mời tham dự ngày hội của Trung ương và các tỉnh bạn khoảng 500 người. Ngày hội lần này được thông báo rộng rãi đến đồng bào Khmer trong tỉnh và khu vực đến xem đêm khai mạc, bế mạc và tham quan, vui chơi, dự kiến số lượng khoảng 5.000 - 7.000 người. Đặc biệt, tại giải đua ghe Ngo diễn ra ở huyện Phước Long thì số lượng có thể nhiều hơn.
PV: Thời gian qua, Bạc Liêu đã gặt hái nhiều thành công trong việc tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế. Để việc đăng cai tổ chức và tham gia ngày hội của đồng bào Khmer Nam bộ đạt mục đích đề ra thì công tác chuẩn bị cho ngày hội được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Ông Vương Phương Nam: Đây là lễ hội cấp quốc gia nên nhiệm vụ của tỉnh là kết hợp với các tỉnh, thành phố Nam bộ cùng với sự hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL, Cục VH-TT&DL phía Nam. Tỉnh xem đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong năm 2017, được tập thể Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hết sức sát sao và đã thành lập các tiểu ban để tổ chức, bảo vệ thành công lễ hội. Đến thời điểm này, kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt, các tiểu ban cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết, được thông qua tập thể đóng góp nhiều lần và báo cáo về Bộ VH-TT&DL. Hiện đã bố trí chỗ ăn nghỉ của khách mời và các vận động viên, phân công từng bộ phận đón tiếp một cách cụ thể. Các hoạt động thể thao được tổ chức tại sân vận động, Nhà thi đấu đa năng trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Việc sắp xếp chỗ cho khán giả xem đua ghe Ngo ở huyện Phước Long, nơi ăn nghỉ của vận động viên cũng đã ổn định. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức triển lãm hình ảnh nghệ thuật về nét văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ; hội chợ, hội thi ẩm thực… Các hoạt động này được bố trí tập trung tại Trung tâm triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát ba nón lá) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến xem. Về hậu cần, công tác bảo vệ và kinh phí thì huy động nguồn lực xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở VH-TT&DL treo pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền cho ngày hội. Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ tổ chức họp báo dự kiến vào ngày 10/11 với sự tham dự của khoảng 70 nhà báo trong khu vực và cả nước để thông tin toàn bộ các hoạt động của ngày hội. 
PV: Ngày hội sẽ diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và tham quan du lịch. Vậy theo ông, những hoạt động nào sẽ tạo nên điểm nhấn và ấn tượng đẹp của ngày hội đối với bạn bè, du khách khi đến Bạc Liêu?
Ông Vương Phương Nam: Ngày hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động và các hoạt động của đồng bào Khmer Nam bộ đều rất phong phú. Tôi nghĩ rằng, đêm khai mạc lễ hội sẽ là điểm nhấn sâu sắc, để lại ấn tượng đẹp cho đồng bào đến xem và du khách. Kế đến là hội thi ẩm thực về những món ăn đặc trưng của vùng ĐBSCL nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Khi du khách đến đây, được thưởng thức những món ăn đặc sản này chắc hẳn cũng sẽ có nhiều ấn tượng khó quên. Thông qua việc trưng bày triển lãm hình ảnh trong ngày hội, du khách sẽ tìm hiểu sâu hơn về vùng đất, con người Bạc Liêu cũng như tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa ở Nam bộ. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá về những sản phẩm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL trên địa bàn tỉnh để du khách vừa thưởng thức lễ hội, tham quan, vừa chiêm ngưỡng, khám phá nét đặc sắc của du lịch Bạc Liêu. Thiết nghĩ các hoạt động này sẽ tạo nên nhiều tình cảm, ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, bạn bè gần xa khi đến với Bạc Liêu.
P/V: Xin cảm ông! 
Ngọc Mai (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.