Phụ nữ hiện đại xây tổ ấm

Thứ Hai, 17/12/2018 | 16:51

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Lâu nay, phụ nữ luôn được xem là người giữ lửa ấm yêu thương, kiến tạo hạnh phúc trong mỗi gia đình. Nếu người đàn ông đóng vai trò trụ cột trong việc tạo dựng nên ngôi nhà theo nghĩa đen thì người phụ nữ gánh trọng trách làm sao để mái nhà trở thành nơi mà mỗi thành viên sẽ cảm nhận được đó là tổ ấm, là nơi yêu thương dành cho nhau. Đây thật sự là trọng trách và đôi khi còn là thử thách đối với người phụ nữ thời hiện đại.

Ảnh minh họa: B.T

Trọng trách và thử thách vì ngày nay người phụ nữ đóng quá nhiều vai trong gia đình, trong khi ngoài xã hội, họ cũng đứng ở bất kỳ vị trí nào mà đàn ông có thể gánh vác.

Dù người phụ nữ ra xã hội có là ai đi chăng nữa, thì về nhà, đa số vẫn phải là người nội trợ. Giỏi giang hay vụng về thì người phụ nữ cũng nhất định phải gánh vác vai trò này. Người nội trợ lại “phân thân” thành những nhánh vai phụ. Họ có thể là một người đầu bếp để đi chợ, chọn lựa thực phẩm hàng ngày chế biến những món ngon cho gia đình. Một người con gái khi còn son có thể chỉ lo học hành, vô tư đi chơi, tụ tập bè bạn, chuyện cơm nước phó thác cho mẹ lo. Nhưng khi đã làm “vợ người ta” thì phải tập tành từng bước để “vào bếp”. Cuộc sống hiện đại, nhịp sống hối hả, công việc bù đầu nên chúng ta thấy ở ngoài chợ, trong siêu thị, ở các hàng quán có đầy những thức ăn chế biến sẵn. Nhưng, dường như không gia đình nào lấy đó là bữa ăn chính thống của gia đình mình. Những nơi đó chỉ phục vụ cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, hoặc những người trong gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt, tạm thời phải ăn cơm chợ thay cơm nhà.

Người nội trợ còn là một “chuyên gia dinh dưỡng” của gia đình. Nghĩa là, không chỉ chọn món ngon mà chị em còn phải cân nhắc, lựa chọn những món ăn bổ dưỡng cho cả nhà. Nhất là khi nhận thiên chức mới - mamg thai và chuẩn bị làm mẹ, thì gần như bất kỳ người mẹ trẻ nào cũng bắt đầu nghiên cứu sách vở, lên mạng để xem ăn gì, uống gì cho con mình phát triển khỏe mạnh, thông minh ngay từ trong bụng mẹ. Những trang Facebook cá nhân của phụ nữ, bên cạnh những chia sẻ về shop thời trang bán hàng qua mạng, những câu chuyện cuộc sống, hình ảnh riêng tư… thì cũng thường đầy những hình ảnh về các món ăn ngon, đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết hàng ngày cho cả nhà đó thôi. Trong nhà có đủ thành phần, người già, trẻ em thì chuyện thiết kế món ăn hàng ngày càng không hề đơn giản!

Trong vai trò nội trợ, người phụ nữ còn là “tay hòm chìa khóa” trong nhà. Khi ấy, người vợ, người mẹ đồng thời còn là một “kế toán trưởng” kiêm “thủ quỹ” trong nhà. Các ông chồng thường giao lương về cho vợ quản lý, cứ nghĩ rằng đó là việc trao “quyền lực kinh tế” cho vợ mình. Nhưng không hẳn là vậy! Xin được minh chứng bằng một câu chuyện ngắn. Có một người vợ thường bị chồng phàn nàn tiêu tiền gì mà nhiều quá, không để dành được bao nhiêu cho gia đình. Chị vợ bèn bàn giao cho anh giữ tiền một tháng, anh không phải đưa tiền tháng như mọi khi và mỗi ngày chị ta sẽ giao “hóa đơn” (ghi chi tiết) mua gì, chi gì rồi cứ thế đưa chồng thanh toán. Thế là chỉ sau… nửa tháng, ông chồng trả lại “chức” cho vợ vì mất quá nhiều thời gian. Và sự chi tiêu hàng ngày có quá nhiều khoản không tên, tiết kiệm cho ngân sách gia đình sẽ là bài toán khó nếu anh ta chỉ biết chi theo “hóa đơn chứng từ” hàng ngày vợ giao cho mình. Từ đó, anh chồng đã hiểu ra rằng, đó là thêm trọng trách đối với người vợ. Phụ nữ phải tính toán như một người kế toán giỏi để làm sao vừa chi tiêu hàng ngày vừa có thể cất lên những khoản  phòng khi gia đình có hữu sự.

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo”, người phụ nữ trong gia đình còn là người thầy đầu tiên của con mình. Mẹ dạy con ngay từ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Cho con nghe nhạc nhẹ, mẹ đọc sách nhiều là để con thông minh từ khi còn là hình hài bào thai. Rồi khi con chào đời, chưa biết nhận thức được những điều xung quanh, mẹ cũng dùng lời ru để hát cho con ngủ, nhiều người mẹ hiểu rằng chính lời ru là chất xúc tác tích cực giúp trẻ hình thành nhân cách từ giai đoạn nằm nôi, khoa học đã chứng minh điều đó! Từ những bước chân chập chững đầu đời cho đến khi con trưởng thành khôn lớn, một người mẹ tận tụy là người mẹ biết dõi theo con mình từng bước đi. Chính vì vậy, người phụ nữ trong gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo những công dân ưu tú cho xã hội.

“Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Trước đây, thường thì phụ nữ chỉ đảm đương vai trò nội trợ, là “nội tướng” quán xuyến gần như toàn bộ công việc nhà để chồng ra ngoài xã hội lập công danh sự nghiệp. Về mặt vật chất, người vợ lo việc “nâng khăn, sửa túi” cho chồng khi ra đường (giặt, ủi quần áo tươm tất), lo mâm cơm ngon canh ngọt khi chồng trở về nhà. Về mặt tinh thần, người vợ còn là người động viên, sát cánh những khi chồng gặp khó khăn. Chăm lo nuôi dạy con cái, chăm sóc lúc chồng con ốm đau cũng “mặc định” là nhiệm vụ của người vợ. Ngày nay, đa số phụ nữ đã tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội, cùng chồng tạo nguồn thu nhập cho gia đình nhưng vẫn phải “kham” những nhiệm vụ nội tướng cần thiết đó! Thế nên, trong câu chuyện bình đẳng giới, phụ nữ ít nhiều vẫn chịu thiệt thòi. Nghĩa là, phụ nữ vẫn phải làm việc như nam giới, tạo nguồn thu nhập như nam giới nhưng phải làm thêm những nhiệm vụ tại gia. Phụ nữ tạo nguồn “phụ thu ngầm” mà không phải người chồng nào cũng nhìn ra. Thậm chí, đôi khi người phụ nữ trong tổ ấm còn là một quan tòa rộng lượng để sẵn sàng thứ tha cho những lỗi lầm, sai trái của chồng, hướng chồng về nẻo sáng, hy sinh cái tôi của mình để gìn giữ, vun vén hạnh phúc gia đình. Nhưng, tất nhiên để trở thành mẫu hình phụ nữ hiện đại với đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, tấm lòng vị tha, đảm đang, vén khéo trong vai trò “xây tổ ấm”, người phụ nữ cũng tự biết cách học tập, nâng cao trình độ kiến thức, trau dồi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp vốn có của người phụ nữ Việt Nam.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước cũng đã khẳng định “phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”. Như vậy, có thể thấy ở bất cứ thời đại nào, người phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong xã hội, mà đầu tiên là trong từng gia đình. Phụ nữ với thiên chức làm mẹ, sinh ra những đứa con là mầm non tương lai của đất nước. Mầm non đó phát triển như thế nào lại tùy thuộc phần lớn vào ngôi trường đầu đời tại gia đình mà chính người mẹ đóng vai trò là người thầy đầu tiên.

Để phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, cùng với những nỗ lực của chính bản thân, phụ nữ  rất cần được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía gia đình và xã hội. Cần tạo điều kiện để phụ nữ có thời gian học tập, tham gia các hoạt động xã hội, có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe để vừa thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình, vừa đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội; từng bước nâng cao vị thế của bản thân cũng như xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.