Ranh đất

Thứ Tư, 07/11/2018 | 15:40

Thú thật, khi nhìn chuyện bà con lối xóm với nhau mà hơn thua nhau từng… tấc đất, tôi đã “cải biên” câu nói xưa của ông bà mình cho hợp tình hình. Ông bà ta nói: “Ruộng ai thì nấy đắp bờ/ Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công”. Xin mạo muội sửa thành: “Ruộng ai thì nấy… khoét bờ”. Đó là chuyện ở cạnh nhà ông già chồng tôi, nhưng cũng diễn ra không hiếm ở nông thôn giữa cái thời buổi “tấc đất, tấc vàng”.

Người xưa có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Ở đây, họ không cần phải “bán” hay “mua” gì cả, vì họ vừa là láng giềng gần, vừa là anh em họ hàng với nhau. Thế mà, lại hơn thua nhau từng chút đất. Hồi thời chung ông bà cố, đó là mảnh đất ruộng cò bay thẳng cánh dài mấy chục công. Rồi thời này sang thời khác, con cháu tách đất, chia ruộng. Chung một tổ tiên, ông bà nhưng mỗi gia đình nắm riêng một sổ đỏ. Mối quan hệ ruột rà ngày cũng một nhạt dần vì mỗi nhà một cảnh. Đất đai ở gần mà tình cảm ngày thêm xa vì hiềm khích những chuyện vặt vãnh. Cũng may còn có những ngày giỗ quảy ông bà chung để những người bà con với nhau còn nhớ ra mình chung một dòng họ. 

Một góc quê. Ảnh minh họa: C.T

Những bờ ruộng để chia ranh giới đất giữa người này với người kia ngày một… mỏng dần. Hồi xưa (thời chưa giành nhau từng tấc đất), xong vụ mùa thì mỗi gia đình lại rủ nhau cùng ra đắp bờ để có một lối đi chung. Ruộng bên ai thì nhà đó đắp. Nhưng vài năm trở lại đây thì những nhà giáp ranh không đắp bờ nữa mà mạnh ai nấy… đào sát ranh đất. Càng đào, khoét sẽ nới rộng phần đất ruộng của mình thêm một ít. Chạy một đường dài thì tất nhiên diện tích đất theo đó cũng lớn thêm. Thấy bên kia khoét, bên này nghĩ “dại gì người ta khoét mà mình vun đắp”, thế là cũng âm thầm làm theo cách bên kia. Kết quả là cái ranh đất ruộng biến thành một lối đi nhỏ rộng chỉ hơn… một bàn chân. Nhìn lối đi giữa hai miếng ruộng mà tưởng tượng trời mưa đất lở, đi sụp bờ chứ chẳng chơi. Thế mà, cả hai nhà đều… coi được!
Những ranh đất bị khoét mòn cũng là lúc tình cảm láng giềng, bà con xa bị mòn hao ít nhiều. Lời chào hỏi khi gặp mặt dường như chỉ còn mang tính xã giao. Ít thắm thiết, không đon đả như hồi trước nữa. Tối lửa tắt đèn nhà nào thì nhà ấy lo. Giỗ quảy thì đến giờ mới sang dự, dúi vào tay gia chủ vài trăm ngàn như thông lệ đi đám thời nay. Con cháu đời sau có khi còn không biết ai là bà con cô bác, ai có cùng một ông bà cố với mình để khắng khít mối dây dòng họ, bà con. Tất cả đều là do người lớn.
Ranh đất là thứ vô tri nhưng tác động không nhỏ đến mối quan hệ của con người. Chuyện ở quê chồng tôi, thấy nhỏ vậy nhưng đáng suy ngẫm!
Phan Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.