Sâu nặng lòng dân với Bác

Thứ Hai, 11/05/2020 | 17:03

Dù rằng Bác Hồ đã mãi đi xa, song có một sự thật không bao giờ thay đổi là Người vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam. Và cứ mỗi độ 19/5 về thì nỗi nhớ thương Bác lại trào dâng hơn, lòng kính yêu Bác lại được tỏ bày một cách đậm sâu và nồng ấm hơn…

Ông Khưu Tam Phước lau bức tượng Bác Hồ được đặt trang trọng trong nhà. Ảnh: H.T

Những ngày tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) - vùng đất anh hùng, kiên trung trong những năm tháng khói lửa. Ngoài những chiến tích hào hùng, nơi này còn có bao câu chuyện về tấm lòng của Nhân dân với Bác. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh như một biểu tượng trường tồn cùng thời gian cho tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, Nhân dân Bạc Liêu nói chung, Châu Thới nói riêng dành cho Người. Lớp thế hệ từng trực tiếp góp sức người, sức của, thậm chí không tiếc máu xương, đánh đổi cả thanh xuân để dựng lên Đền thờ Bác hôm nay, giờ đây kẻ mất, người còn.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Khưu Tam Phước (thường gọi là Ba Phước) - người phụ trách nhiệm vụ bảo vệ đền thờ trong những năm xây dựng. Cũng như bao ngôi nhà khác ở Châu Thới, nhà ông Ba Phước dành một vị trí trang trọng nhất treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như một thói quen, sáng nào ông cũng thắp hương cho Bác. Sáng nay, ông còn lấy chiếc khăn tỉ mẩn lau bức tượng Bác Hồ bằng đồng cho sạch bóng để mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những việc mà ông làm đi làm lại, ngót nghét cũng đã mấy chục năm để tỏ lòng tôn kính, nhớ thương Người.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trong ông vẫn chưa phai những ký ức cùng Đảng bộ, quân và dân Châu Thới đoàn kết một lòng xây dựng, bảo vệ nơi tưởng niệm Bác Hồ. Mặc cho giặc bắn phá hết lần này đến lần khác, Nhân dân Châu Thới anh hùng vẫn kiên cường gìn giữ, lập lên đền thờ. Ông Ba Phước xúc động: “Cả một đời Bác vì nước, vì dân nên việc bảo vệ đền thờ là nhiệm vụ hết sức cao cả và tự hào, dù có hy sinh cũng phải làm cho kỳ được. Riêng việc thờ di ảnh, dâng hương cho Bác được xuất phát từ tình cảm chân thành, sự kính yêu của Nhân dân Châu Thới với Bác. Điều đó mang ý nghĩa như chúng ta được nhìn thấy Bác mỗi ngày và càng sướng vui hơn với điều đó trong ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Không chỉ có xã Châu Thới, mà người dân Bạc Liêu nơi đâu cũng dành tình cảm sâu đậm với Bác. Việc treo ảnh Bác hay lập bàn thờ Bác trong nhà đã trở thành một nét đẹp truyền thống lan tỏa rộng khắp trong Nhân dân. Vào ngày tết Độc lập 2/9, tết Nguyên đán hay sinh nhật Bác, nhà nào khá giả thì lập bàn thờ Bác cầu kỳ một chút, nhà bình thường cũng làm sao cho tươm tất, song tất cả đều là những tình cảm hết sức giản dị, thành kính đối với Bác.

Như gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Phúc (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) đã lập hẳn một bàn thờ Bác trong nhà mình. Bàn thờ được đặt trang trọng, cao hơn một chút so với gian bàn thờ tổ tiên. Năm nào cũng vậy, bà đều tự tay chuẩn bị mâm cơm đạm bạc dâng lên bàn thờ Bác trong ngày 19/5. “Có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay, Nhân dân Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua việc lập bàn thờ Bác còn để giáo dục con cháu trong gia đình về lòng kính yêu Bác Hồ, nhắc nhở cố gắng học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để góp phần xây dựng, phát triển quê hương”, Bà Phúc bày tỏ.

Bác yêu đồng bào miền Nam vô hạn, đồng bào miền Nam cũng yêu Bác khôn cùng. Đó sẽ mãi mãi là những tình cảm thiêng liêng nơi tận đáy con tim mà Nhân dân Việt Nam, trong đó có Nhân dân Bạc Liêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.