Tấm lòng cao quý của một người thầy

Thứ Sáu, 07/12/2018 | 16:25

Đến xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) hỏi thăm thầy Trịnh Bá Ngọc (giáo viên Trường tiểu học Lê Lợi), từ người già đến trẻ nhỏ không ai là không biết. Họ gọi tên thầy bằng giọng rất trìu mến, thân thương mà phải quý mến lắm bà con đồng bào dân tộc nơi đây mới dành tình cảm chân phương đến vậy! Với họ, đó là một người thầy tận tâm, sống thanh bần với nghề cao quý, là người cha thứ hai luôn chở che, đùm bọc và giáo dục nhiều thế hệ học trò Khmer nghèo nên người!

Giờ lên lớp của thầy Trịnh Bá Ngọc.

Duyên nợ với nghề cao quý

12 tuổi, cậu bé Ngọc rời quê Thanh Hóa, khăn gói theo người cậu ruột vào Nam với hy vọng tìm kiếm chân trời mới cho cuộc đời mình. Từ nhỏ đã quen sống tự lập, không muốn mình trở thành gánh nặng của ai, mỗi ngày cậu bé Ngọc một buổi đi học, buổi còn lại thì tranh thủ vác cần xé bánh mì rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm của TX. Bạc Liêu ngày ấy để có thêm tiền trang trải chi phí học tập. “Ai ăn bánh mì nóng giòn đây…”, giọng cậu bé lọt thỏm trong những con hẻm sâu hun hút. Những ngày nắng gắt nhiều khi cổ họng khô khốc vì khát, hay những ngày mưa, những ngày lập đông lạnh buốt, người ta vẫn thấy cậu bé ấy tất tả với cần xé bánh mì “quá khổ” so với thân hình đen nhẻm, gầy gò của cậu!

Một phần vì đam mê nghề giáo từ lúc nhỏ, một phần được sự động viên của cậu ruột, Bá Ngọc đã chọn lối đi cho cuộc đời mình bằng việc theo học ngành Sư phạm. Năm 1994, sau khi ra trường, thầy Ngọc về công tác tại Trường chùa Xiêm Cán (địa chỉ cũ của Trường tiểu học Lê Lợi ngày nay). Nhìn sự khó nghèo, đói kém vì thất học, thiếu thốn tri thức của bà con và ánh mắt đầy kỳ vọng của những đứa trẻ dân tộc Khmer nghèo nơi đây, thầy càng thêm quyết tâm gắn bó với nơi này.

Hành trang vào nghề của anh giáo trẻ ngoài những quyển sách mà anh “quý như vàng” và mấy bộ quần áo đã sờn vai, bạc màu vì mưa nắng, thì còn lại chẳng có gì đáng giá! Thương hoàn cảnh ấy, bà con hết nhà này đến nhà kia thay phiên nhau cho thầy tá túc. Ngày mới về công tác tại địa phương, thầy xin ra khu làng cá để kèm cặp con em Khmer nghèo. Đường sá thời ấy đi lại rất khó khăn, có hôm phải xắn quần đến đầu gối vì triều cường dâng, vậy mà không ngày nào thầy Ngọc bỏ lớp, vì thầy biết tụi học trò nhỏ đang mong ngóng mình.

Những ngày đầu về công tác tại địa phương, khó khăn lớn nhất của thầy là việc bất đồng ngôn ngữ, rồi phải trực tiếp dạy chữ cho những người đáng tuổi cha, tuổi chú mình. Vậy rồi, vừa dạy vừa học, thầy dạy chữ cho trò, trò dạy lại thầy tiếng dân tộc, những lúc rảnh rỗi thầy lại nhờ các cô chú trong xóm dạy mình giao tiếp, hiểu nghĩa những từ thông dụng. Và rồi thầy sõi tiếng dân tộc lúc nào chẳng hay.

“Chính cái tình, cái nghĩa, sự chân thành của bà con khiến tôi thêm quyến luyến với nơi này. Bỏ làm sao cho đành khi tụi nhỏ đang cần mình, bà con chòm xóm thương mình và mảnh đất nghèo này đang cần lắm sự chung tay, góp sức của những người đi “khai tâm, mở trí” để đổi thay, phát triển”, thầy Ngọc tâm sự.

Sau 7 năm gắn bó với người dân bản địa, thương sự chân thành của anh giáo trẻ, một người dân trong xã đã gả con gái cho anh, cho một mảnh đất nhỏ để vợ chồng anh gầy dựng cuộc sống mới. Vợ chồng trẻ vay tiền để cất nhà, cất xong lại đem căn nhà ấy cho thuê 5 năm và ở tạm căn chòi kế bên để trả nợ, để rồi khi nhận nó về thì đã là một căn nhà cũ kỹ!

​Thầy Trịnh Bá Ngọc rèn chữ cho học trò. Ảnh: Đ.K.C

Người cha thứ hai của học trò nghèo

Cuộc sống thanh bần, thiếu thốn là vậy,  nhưng thầy vẫn tận tâm và nhiệt huyết với nghề. Có thầy giáo nào tận tay chải tóc, cắt từng cái móng tay, móng chân cho học trò. Năm nào chủ nhiệm lớp là y như rằng năm ấy đồng nghiệp lại thấy thầy lặn lội đi mua tủ quần áo, tủ giầy dép trang bị cho lớp. Và rồi hàng tháng thầy lại trích tiền lương ít ỏi của mình trả góp dần cho những món đồ ấy. Đó là chưa kể việc tự tay sắm sửa thêm quần áo, sách vở, tập viết, có khi là những cái kẹp tóc… cho đám học trò nghèo.

“Hình như đó là nghiệp duyên rồi! Hơn 24 năm trong nghề, hầu như năm nào lớp tôi cũng có rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt là năm nay sĩ số lớp chỉ có 25 em thì có đến 13 em phải ở với ông bà vì mồ côi cha mẹ, cha mẹ ly hôn; còn lại 12 em thì 7 em điều kiện kinh tế gia đình còn bấp bênh, vất vả. Nhìn tụi trẻ nghèo khó, thiếu thốn tình thương của cha mẹ, phải sống tự lập từ lúc nhỏ, lại thấy đâu đó bóng dáng của bản thân mình”, thầy nghẹn ngào tâm sự.

Thế là bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu tình thương thầy lại dồn hết cho đám trò nhỏ. Vui nhất là khi mọi tâm tư thầm kín, mọi chuyện buồn phiền, lo lắng của bản thân trong cuộc sống… học trò đều không ngần ngại tâm sự với thầy. Trong mắt các em, thầy không chỉ là thầy, mà còn là một người cha, một chỗ dựa tinh thần vững chắc để chúng náu nương khi có những nhọc nhằn, va vấp. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà thầy có được khi đến với nghề giáo!

“Không chỉ vững chuyên môn, viết chữ đẹp, hơn 20 năm là giáo viên giỏi của trường, của thành phố, của tỉnh, thầy Ngọc còn đoạt nhiều giải thưởng cao trong các hội thi và có nhiều “tài lẻ”. Thầy luôn giữ vai trò tiên phong, là người truyền cảm hứng cho mọi hoạt động, phong trào của trường, giúp bạn bè, đồng nghiệp thêm lạc quan và tin yêu, gắn bó với nghề cao quý”, thầy Lê Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi nhận xét về đồng nghiệp của mình.

Nhiều thế hệ học trò của thầy giờ đã là thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, công an, giáo viên… thành nhân và có chỗ đứng trong xã hội. Riêng thầy “vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa” để trao truyền tri thức, để đùm bọc cho những đứa học trò nghèo và hạnh phúc với niềm vui khi mình đã chọn đúng nghề để mà cống hiến!

ĐẶNG KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.