Thanh minh

Thứ Sáu, 06/04/2012 | 19:00

Tết Thanh minh là một ngày lễ bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt phổ biến ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau - những địa phương có cộng đồng người Hoa sinh sống.

Tên gọi Tết Thanh minh căn cứ vào tên gọi một tiết khí trong số 24 tiết khí tính theo lịch Trung Quốc gọi là tiết Thanh minh và lịch này tính theo cách gọi ngày nay là dương lịch (chứ không phải tính theo âm lịch). Đó là nguyên nhân vì sao ngày Tết Thanh minh (ngày chính) đều rơi vào những ngày khác nhau của âm lịch theo từng năm.

Theo dân gian, người ta thường tổ chức đi cúng mả ngay vào những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), là do căn cứ vào một câu thơ trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Thanh minh trong tiết tháng ba”. Điều khá lý thú là cả người Hoa (ở Bạc Liêu) cũng cho là như thế và còn cho rằng cả tháng 3 ngày nào cúng mả cũng được (nhưng có người còn cho rằng, cúng mả thì nên cúng sớm để làm ăn thuận lợi, không nên để đến cuối tháng).

Thật ra, tiết Thanh minh chỉ có nửa tháng do như trên đã nói, mỗi năm (12 tháng) có 24 tiết khí là:

Mùa xuân: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.

Mùa hạ: Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.

Mùa thu: Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng.

Mùa đông: Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.

Do tính theo dương lịch nên năm nào nhuận (tháng 2 có 29 ngày) thì năm đó ngày đầu của mỗi tiết sớm hơn 1 ngày. Năm 2012 là năm nhuần (có số chia chẵn cho 4), nên tiết Thanh minh bắt đầu vào ngày 4/4 vừa qua (nhằm ngày 14 tháng 3 âm lịch). Những năm 2013, 2014, 2015 hoặc trước đó như 2011, 2010, 2009 thì tiết Thanh minh bắt đầu vào ngày 5/4 (dương lịch). Một số người cho rằng do ngày Thanh minh năm nay rơi vào ngày xấu (ngày 14 âm lịch) nên ít người tổ chức cúng vào ngày này mà tổ chức cúng trước hoặc sau.

Thanh minh là tiếng Hán Việt, có nghĩa là “trong sáng”, ý nói trong thời gian này, tiết trời trong sáng, không có mưa gió, giông bão gì. Nhưng năm nay được coi là năm khác thường khi cơn bão số 1 lại xuất hiện trước tiết Thanh minh. Một số người đi cúng mả vào những ngày cuối tuần trước (nhằm ngày mùng 10, 11 tháng 3 âm lịch) đã bị mắc mưa hoặc bị lấm bùn sình (do phải đi qua đất ruộng bị thấm nước).

Tiết Thanh minh năm nay sẽ kết thúc vào ngày 19/4. Sau đó là tiết Cốc vũ (mưa rào), có nghĩa là qua tiết này là vào mùa mưa và có mưa lớn.

Do là địa bàn có 3 dân tộc sống cộng cư: Việt, Khmer, Hoa nên trong văn hóa của Bạc Liêu có sự đan xen, bổ sung cho nhau. Tết Thanh minh có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc nhưng đã được người Việt (và cả một bộ phận người Khmer) chấp nhận.

Trong tiết Thanh minh năm nào cũng vậy, đều có một cái Tết lớn của người Khmer - Tết Chôl-chnăm-thmây (Tết mừng năm mới). Sau 1 tuần Tết Thanh minh (ngày chính - ngày đầu của tiết Thanh minh) là đến Tết Chôl-chnăm-thmây. Điều cần chú ý là Tết Chôl-chnăm-thmây cũng được tính theo dương lịch (chứ không phải theo âm lịch như Tết Nguyên đán của người Việt). Năm nay, Tết Thanh minh vào ngày 5/4/2012 (dương lịch) thì Tết Chôl-chnăm-thmây rơi vào ngày 12, 13, 14/4/2012 (ngày chính là 14/4). Nhiều năm trước đây, vào ngày Tết Chôl-chnăm-thmây, ở một số nơi thuộc ĐBSCL có xảy ra một cơn mưa nhỏ (gọi là mưa bụi), rất ít nước, nước mưa không thấm đất, có vẻ như chỉ là cơn mưa báo hiệu mùa mưa bắt đầu (cũng là bắt đầu một mùa vụ mới). Nhưng nay thì cơn mưa này không xuất hiện “đúng hẹn” như trước nữa, có lúc trước hoặc sau Tết Chôl-chnăm-thmây.

Riêng trong tiết Thanh minh năm nay lại có một lễ hội tâm linh rất quan trọng ở Bạc Liêu là lễ hội Quán Âm Nam Hải. Thời gian tổ chức lễ hội này tính theo âm lịch nhằm ngày 22, 23, 24/3 năm Nhâm Thìn (ngày chính là 23/3), quy chiếu ra dương lịch thì nhằm vào ba ngày 12, 13, 14/4/2012. Do tính theo âm lịch nên lễ hội Quán Âm Nam Hải có năm không rơi vào tiết Thanh minh như năm nay. Riêng năm qua - năm 2011, lễ hội Quán Âm Nam Hải được tổ chức vào ngày 24, 25, 26/4 (tức ngày 22, 23, 24/3 âm lịch năm Tân Mão), tức đã rơi vào tiết Cốc vũ (bắt đầu từ ngày 20/4 dương lịch hàng năm). Cốc vũ có nghĩa là mưa rào; đây là thời gian bắt đầu vào mùa mưa và có những cơn mưa lớn (mưa rào).

Theo dân gian thì cho đến cuối tháng 3 âm lịch mới hết Thanh minh. Nghĩa là trong thời gian này, vẫn có người đi cúng mả, sửa mả và không cần coi ngày cụ thể, miễn trong tháng 3 là được. Do chưa vào mùa mưa nên việc sửa mả được thuận tiện: mả đất thì đắp đất lên cho cao thêm, còn mả đá thì sơn hoặc quét vôi, mả lát gạch bông thì chỉ việc lau rửa bụi bặm… Trong khi cúng mả, người thân dán giấy ngũ sắc lên mả (giấy đã được cắt ra dài khoảng 2 tấc, bề ngang khoảng 2 ngón tay) hàm ý cho người đã khuất “ăn Tết” nhưng thực chất là báo cho biết có con cháu đến cúng mả (tương tự như đắp mả đất nêu trên).

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.