Thiêng liêng Quốc Tổ!

Thứ Hai, 19/04/2021 | 16:11

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

Trong tâm thức người Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương thiêng liêng như thế, ngược xuôi trăm nẻo thì Quốc Tổ vẫn là mọi người cùng nhau hướng về để hiểu rằng người Việt Nam có chung nguồn cội, đều là con Lạc, cháu Hồng. Hiểu sự thiêng liêng đó để chung sức chung lòng, gắn bó, đoàn kết hơn cùng gìn giữ và phát triển đất nước ngày thêm phồn vinh.

Nghi thức Giỗ Tổ tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: H.T

Từ truyền thuyết về các Vua Hùng…

Ngay từ thời thơ ấu, mỗi người chúng ta đã được thầy cô, hoặc ông bà, cha mẹ kể cho nghe truyền thuyết về những vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Đó là chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con - từ đó bắt đầu đời Vua Hùng Vương thứ 1; truyền thuyết Thánh Gióng phá tan giặc Ân đời Vua Hùng thứ 6; sự tích quả dưa hấu thời Vua Hùng thứ 17; truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh đời Vua Hùng thứ 18…

Những câu chuyện truyền thuyết từ trong sách giáo khoa được giảng dạy ở trường hay những lời kể ru ngủ trẻ thơ đã in sâu trong tâm khảm mỗi người từ đó. Mặc dù, trong mỗi câu chuyện ít nhiều có yếu tố huyền hoặc nhưng tính thiêng liêng, thái độ trân trọng lịch sử dân tộc đều toát lên trong từng câu chuyện. Bởi, xây dựng nên những truyền thuyết trao truyền cho con cháu đời sau, ông cha ta không chỉ hướng đến mục đích tạo nên tính thuyết phục lịch sử để giải thích nguồn gốc cộng đồng của mình, mà quan trọng hơn là để khẳng định bản sắc dân tộc trong mối quan hệ với quốc gia lân cận - như về sau Nguyễn Trãi đã viết trong áng văn bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo” khẳng định: “… Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Nước non bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác…”.

Những đời Hùng Vương với nhiều câu chuyện khác nhau là một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần tạo nên cốt lõi cho sự hình thành bản sắc dân tộc về văn hóa, đồng thời chứa đựng những hạt nhân của thực tiễn lịch sử.

…Đến tự hào Quốc Tổ Việt Nam

Với ý thức “uống nước nhớ nguồn”, ngay từ thế kỷ thứ XIII - XIV, Nhân dân ta đã xây dựng đền thờ các Vua Hùng. Qua thời gian xây dựng và phát triển, đến nay quần thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt! Tự hào hơn khi Quốc Tổ thiêng liêng cũng đã được chứng nhận ở phạm vi quốc tế: Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở tỉnh Phú Thọ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hồ sơ đề trình UNESCO cũng đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Từ nhận định đó và sự chứng nhận quốc tế, người Việt Nam càng tự hào khi biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đã được vinh danh!

Bác Hồ từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” như lời khẳng định một thời đại khai sinh của lịch sử dân tộc với công lao của các Vua Hùng, đồng thời nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ sau đối với tổ tiên. Giỗ Tổ Hùng Vương vì thế là dịp cùng nhau ôn lại lịch sử giống nòi để giáo dục truyền thống, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đâu chỉ thiêng liêng đối với người Việt Nam, mà với những giá trị trường tồn từ trong lịch sử, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành di sản quốc tế để mọi người cùng biết về một đất nước Việt Nam tươi đẹp với những giá trị dân tộc độc đáo!

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.