Tiền của người nghèo

Thứ Tư, 06/12/2017 | 15:33

Trụ ATM - đối với cánh nhân viên nhà nước bây giờ là “niềm vui đầu tháng”. Chỉ cần nghe tiếng “tít tít” của tin nhắn điện thoại, thì sau đó không lâu, trụ ATM đón người ta đến tấp nập để nó “trả” tiền - những đồng lương của 30 ngày dài cày xới. Nhưng, với những người nghèo, trụ ATM chỉ đơn giản là một vật vô tri, không đem lại cảm xúc nào. Nó cứ như một “thằng rô-bốt” vô dụng chiếm lấy không gian một góc đường.

1. “Độ rày thời tiết chuyển mùa, dễ bệnh quá chế. Tui bệnh có mấy ngày, ra bán lại, mất mối hết trơn…”. Chị bán khoai lang trước một cổng trường mầm non thủ thỉ với bà bán xôi. Bà bán xôi vừa gói xôi bán, vừa nói an ủi: “Bệnh thì bệnh cũng phải ráng bán chớ, bán nhiều không nổi thì luộc ít khoai một chút để cầm mối”. Tôi lượm lặt tâm sự của những người buôn gánh bán bưng trước cổng trường sau khi đã đưa đứa nhỏ vô lớp. Khoai lang bây giờ là món thịnh hành của mấy chị, mấy cô, vì nó là liều thuốc giảm cân hữu hiệu. Chứ ngày xưa, khoai lang chỉ là món ăn của nhà nghèo. Tuy vậy, đối với tôi, đôi khi khoai lang cũng có “tác dụng phụ” ngoài chuyện ăn để đẹp dáng đẹp da, đó là khi những ngày sắp tới lương mà chưa nghe điện thoại báo tin… có lương. 


Chưa có lương, cho nên, dù dễ mủi lòng trước những tâm sự của người nghèo khó, tôi cũng chỉ trả dư 5.000 đồng cho chị bán khoai với thiện ý… hỗ trợ chị. Tôi mua 15.000 đồng khoai rồi trả chị 20.000 đồng, biểu chị khỏi thối. Thế mà chị nhất quyết: “Vậy chị thêm cho em củ này, củ này ngon nè”. Chèn ơi, tôi cho thêm có 5.000 đồng vì nghe chị bệnh, số tiền đó không đủ để chị mua một cử thuốc, thế mà chị lại thêm một củ khoai?! Một rổ khoai của chị không biết lời lóm bao nhiêu. Với số khoai tôi mua giá 20.000 đồng, tôi ước cùng lắm rổ khoai của chị bán hết chắc chừng hơn 100.000 đồng. Trừ tiền vốn mua khoai, luộc khoai, giỏi lắm chị lời được một nửa. 50.000 đồng thời bây giờ sắm sanh được gì cho một ngày. Tôi không mong xung quanh mình có những người ăn khoai lang, khoai mì mỗi buổi sáng thay cho điểm tâm, vì ít tiền; chỉ mong người ta ăn nhiều vì mục đích… làm đẹp. Mong như thế để những gánh khoai lang bán đắt hơn, cứu vớt túi tiền cho những người nghèo khó.
2. Sáu mươi ngàn đồng là thu nhập bình quân mỗi ngày của một thanh niên Khmer có hoàn cảnh khó khăn mà tôi tình cờ biết được sau chuyến đi tặng nhà tình thương. Với 60.000 đồng, anh phải nuôi người vợ và hai đứa con. Hỏi anh ngày mưa gió có đi biển được không, anh cười nói cụt ngủn: “Không đi lấy tiền đâu mà xài”. Hai đứa con, đứa học lớp 5, đứa học lớp 3, đi học trường xã chừng hơn cây số bằng chiếc xe đạp cà tàng. Với số tiền đó, chắc hẳn là chúng đi học chỉ với chiếc cặp cũ kỹ, ngăn cặp chỉ dùng để tập vở, viết chì, thước kẽ. 
Những cái cột nhà mối mọt ăn nham nhở nằm lăn lóc bên hông ngôi nhà mới cho thấy ngôi nhà cũ đã mục nát lâu lắm rồi. Cái nền nhà sau của ngôi nhà mới thì vẫn chưa được tráng xi-măng, nó được phủ một lớp bọc cao su dày để hai đứa nhỏ đi ra đi vô không mang sình đất lên nền nhà trước. Lần đầu tiên nhà lót gạch bông nên chủ nhà quý lắm. Nhìn trước tới sau, ngôi nhà chẳng có một thứ gì để gọi là tiện nghi ngoài cái bếp gas cũ được trưng dụng lại và cái “tivi thùng” thời trước (giờ ra cửa hàng điện máy tìm mua chắc khó được)…, nhưng đó là niềm mơ ước của gia đình người thanh niên ấy. 32 triệu đồng là số tiền của một tổ chức trao tặng với ý nghĩa hỗ trợ hộ dân tộc thiểu số nghèo xây nhà ở, số tiền ấy có thể chẳng đủ để một căn nhà khá giả lót gạch bông cho ngôi nhà mới, nhưng có thể để người nghèo xây cất một ngôi nhà “khang trang” trong mơ ước bấy lâu nay của họ.
Năm ngàn đồng tiền “boa” cho một người đang bệnh cần tiền lại được trả đổi bằng một củ khoai, và 60.000 đồng là tổng thu nhập của một thanh niên đi biển mỗi ngày bất kể mưa nắng để nuôi một vợ hai con, đã làm tôi miên man suy nghĩ. “Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”, tiền của người nghèo, khó tìm nhưng dễ đi. Nhưng, đó là những đồng tiền lương thiện. Một chiếc bao thư của anh cán bộ nhận được sau một cuộc họp hành, hội nghị, hoặc nhận được từ đối tác làm ăn… có thể trị giá bằng nửa tháng, thậm chí là vài ba tháng thu nhập của một chị bán khoai, một anh thanh niên hành nghề “đi biển”. So sánh vậy thì cũng là khập khiễng, vì như thế mới là xã hội, có người giàu - kẻ nghèo. 
Và cũng kể từ đó, tôi biết chùn tay trước những món hàng trong tiệm đồ chơi tôi thường ghé mua cho con mình. Nhìn tấm bảng giá 120.000 đồng trên chiếc xe điều khiển, tôi quy ra, đó là 2 ngày công lao động đổ mồ hôi, có cả máu tứa nơi đôi chân trần trên biển của anh thanh niên đồng trang lứa với mình. Và đó là công của 2 ngày ngồi bán từng củ khoai lang của chị bán khoai trước cổng trường. Xã hội thì có người giàu - kẻ nghèo thôi, tôi thường tự nhủ với chính lương tâm mình để lâu lâu cũng "bấm bụng" mua một món đồ chơi đắt tiền cho con.
Đừng mặc cả vài ba ngàn đồng với những người mua gánh bán bưng, những người ngồi ven góc chợ bán từng lọn rau, con cá, hay nếu có thể, hãy bỏ thêm một số tiền nhỏ để giúp đỡ những người đang vận trên người số phận nghèo khó. Chỉ là sở gỡ khó khăn với họ một chút cho có tình người với nhau, vậy thôi. Chứ tiền của người nghèo phù du lắm, nó dường như chẳng thể nào đủ để xoay sở cả hành trình cuộc sống của những phận nghèo.
Cẩm Thúy 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.