Tiếng thu cười trong nắng

Thứ Sáu, 07/12/2018 | 16:23

Có một tháng thu với đợt gió se se, không lạnh lắm nhưng khiến lòng người khấp khởi. Tôi thấy ánh mắt cô lấp lánh niềm vui, dòng nước u buồn của mùa mưa ngày nào dường như trôi đi mãi. Hôm nay là ngày nắng đẹp, bầu trời thả những giọt sáng bên hiên nhà, cô mặc chiếc áo màu xanh đầy nét dịu dàng, đằm thắm, thỉnh thoảng mỉm cười một mình. Xúc ít gạo bỏ vào nồi, cô lách mình qua cánh cửa gỗ ra hiên đón gió.

 ***

Cách đây mấy năm lúc tôi còn nhỏ, trong trí nhớ chấp nối của mình, hình ảnh cô chú với dáng dấp u buồn xuất hiện trước nhà xin tía tôi ở nhờ một đêm vẫn còn đọng lại. Không biết họ nói với nhau những gì nhưng mấy hôm sau, có một căn chòi được cất ở mé sông, năm tháng trôi qua, cô chú vẫn là láng giềng bầu bạn với nhà tôi, cùng sống ở cái nơi hẻo lánh buồn hiu ít người lui tới. Bây giờ, tôi đã trở thành thiếu nữ với những mộng mơ nên câu chuyện của cô chú ngày xưa tôi mặc nhiên biết rõ. Ngồi nhổ tóc bạc cho má mà cứ luôn nghe tiếng thở dài thườn thượt: “Bởi vậy phận đàn bà nó khổ. Mày đó nghe, ráng mà học cho thành tài rồi hẵng yêu đương. Đừng có như…”. - “Nhưng con thấy cô Mãi hạnh phúc mà”. Má nạt ngang: “Hạnh phúc cái gì? Hai đứa dắt nhau bỏ xứ đi tới giờ không có một cái đám cưới đàng hoàng. Nhà cửa thì cũng không, rồi thằng Nhí nó lớn lên khả năng đâu mà nuôi nổi”. - “Thôi mà má, nhỏ tiếng thôi, cô chú nghe được buồn má bây giờ”. - “Tụi nó nghe thì cũng biết tao với tía mày cũng là thương là lo cho tụi nó”. Lại có tiếng thở dài nhưng lần này là tiếng của tôi. Ừ, ngẫm lại thấy phận đàn bà chung quy sao mà khổ. Tôi nhìn lên bầu trời, mây vẫn xanh trong, lòng tự nhủ sau này phải có một đám cưới như mơ để má nở mặt mày.

Con Luốc đánh hơi bước chân của cô Mãi đi lên, nó ngoắc cái đuôi mừng rỡ. - “Chị Ba, em có ít cá anh Thanh chài được nè, con trọng trọng không à, chị chiên xù cho mấy đứa nhỏ ăn. - “Ừ thiếm để đó đi, thằng Nhí bữa nay đỡ chưa. Sáng giờ lu bu chị chưa có xuống coi nó ra sao”. - “Nó cũng ấm mình lại rồi. Thôi em xuống nhà bắc nồi cơm đợi ảnh đem rau về nấu canh. Tối vợ chồng em lên coi phim với nhà mình”. Nói xong, cô để thùng cá ở đó rồi vội đi như thể cuộc đời mình luôn hối hả. Má tôi nói vói theo: “Tối chị luộc khoai lang, nhớ làm mỡ hành cho thiệt ngon đó nghen!”. - “Chuyện nhỏ mà, để em lo”. Con Luốc như hòa vào không khí vui tươi, nó hết cào cào hai chân xuống sân xi măng rồi lại nhảy lòng vòng quanh chậu kiểng. Tôi nghe cơn gió lành lạnh thổi ngang vai rồi khẽ lay những tán lá xanh mơn mởn.

Cô chú quê ở tận Tiền Giang nên cái đất Bạc Liêu này coi như quê hương thứ hai của họ. Giống như chuyện tình éo le mà mấy tuồng cải lương hay có, cô nhà khá giả, chú thì nghèo không có mẹ cha, sống cùng với gia đình người bác. Họ biết nhau từ nhỏ, lớn lên chú làm thuê cho nhà cô, rồi hai người nảy sinh tình cảm nhưng bị phản đối kịch liệt, cha mẹ cô chuẩn bị gả cô cho cậu chủ vật liệu xây dựng ở Tây Ninh thì hai người bỏ trốn. Trôi dạt, đưa đẩy nửa tháng trời mới có duyên phận ở lại nhà tôi. - “Hồi mới đầu biết Mãi thương em, nhà Mãi cũng như bà con ở xứ nói em bỏ bùa mê cho cổ”. Chú nhấp chén rượu rồi sau đó nốc cạn ly, ngước mắt nhìn lên mấy cây xà ngang như để nén đi nỗi thống khổ của mình: “Hồi đó phải Mãi đừng đi theo em thì giờ cổ đã thành bà này bà kia, đã không khổ sở như bây giờ. Bao năm rồi không có nhà cửa đất đai đàng hoàng cho vợ con, em thấy sao mà mình vô dụng…”. Tía tôi rót rượu vào ly, ông chỉ nhẹ nhàng: “Đàn ông mà tìm được người phụ nữ đồng cam cộng khổ, không chê mình nghèo nàn khổ sở, vẫn ở bên mình dù biết không có tương lai thì coi như chú mày không vô dụng rồi. Phải có điểm gì đó nên người ta mới hy sinh, mới theo mình như vậy. Còn chuyện nhà cửa thì để từ từ, giờ cứ lo kiếm tiền tích lũy đã”. - “Anh Ba nói đúng đó, em chưa hối hận mà anh hối hận gì. Em chỉ mong vợ chồng mình có sức khỏe để lo cho con thôi hà”. Chú mỉm cười nhìn cô với ánh mắt đầy an tâm, đầy hứa hẹn và hơn cả là sự biết ơn. Tôi cũng cười, hai bím tóc đung đưa dưới võng, má lườm tôi một cái kiểu bảo như “đừng có thấy vậy mà bắt chước”. Tôi nhe răng làm xấu rồi ôm sách vở vào phòng.

Mấy bận đi học thêm về tối, tôi thấy vợ chồng cô chú vẫn còn xách chài kiếm cá bán thêm. Dáng cô mỏng manh nhưng đầy cứng rắn của người phụ nữ kiên định, hy sinh. Chú người cao to, quăng tấm chài nghe tiếng “ầm” xuống sông. Cô lấy tay áo lau vệt mồ hôi cho chồng rất ân cần, chu đáo. Bất giác tôi khẽ cười trước hạnh phúc giản đơn kia. Về nhà, tôi nghe tía nói với má tôi là cô chú sẽ tổ chức cái đám cưới nho nhỏ khi cận tết. Chú muốn cô được một lần mặc áo cô dâu để bù đắp cho tuổi xuân đã vô tình đánh mất. Rồi chú hẹn với tía tôi trong vài năm nữa sẽ có một căn nhà được cất trên mảnh đất mình tự mua để không còn phải ở mé sông nghe tiếng nước chập chờn trong giấc ngủ.

Tối đó trong giấc chiêm bao, tôi thấy cô Mãi mặc áo dài đỏ thướt tha với nụ cười rạng rỡ trên môi, thằng Nhí đứng cạnh bên, còn chú Thanh nắm lấy bàn tay gân guốc của vợ mình. Đó là bức tranh giản dị, nên thơ được vẽ nên từ hai tấm chân tình mà tôi ái mộ. Hạnh phúc luôn đến từ những điều giản dị. Có một tháng thu với đợt gió se se, không lạnh lắm nhưng khiến lòng người khấp khởi…

Trần Như Ý

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.