Tiếp sức đồng bào Khmer​ gìn giữ lễ hội truyền thống

Thứ Hai, 20/03/2023 | 16:08

Nhiều năm trước, các khâu tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer hầu hết đều do Ban quản trị các chùa chung tay thực hiện, nhưng giờ đây công việc này có sự hỗ trợ, san sẻ từ phía các ngành, các cấp. Điều này không chỉ nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lễ hội mà còn thể hiện sự quan tâm, tiếp sức với đồng bào Khmer trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Hoạt động trò chơi dân gian trong Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây của đồng bào Khmer do UBND xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) hỗ trợ nhà chùa tổ chức.

RỰC RỠ SẮC MÀU

Năm trước, theo lời mời của anh cán bộ xã, chúng tôi hăm hở về xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) - địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống để dự lễ hội Oóc-om-bóc. Cảm giác lạ lẫm ban đầu được thay thế bằng sự thích thú khi đây là lần đầu tôi được hòa mình vào không khí rộn ràng, rực rỡ sắc màu. Hơn nữa là có những trải nghiệm thú vị từ những tín ngưỡng trong lễ hội như: cúng Trăng, đút cốm dẹp, thả đèn nước…

Ngoài Oóc-om-bóc, đồng bào Khmer còn có nhiều lễ hội trải dài trong năm như: Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta, Dâng y Ka-thi-na… Mỗi lễ hội mang một ý nghĩa riêng nhưng tựu trung đều gửi gắm ước nguyện, khát vọng xây dựng phum sóc đẹp giàu, cuộc sống bình an, mùa màng bội thu.

Sự độc đáo của lễ hội Khmer không chỉ nằm ở không gian diễn ra là ngôi chùa mà còn được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa khác nhau. Đó là văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống, trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật đặc trưng như: múa rô-băm, sân khấu dù kê, nhạc ngũ âm… Từ những lễ hội truyền thống đó đã góp phần gắn kết cộng đồng, tăng cường tình đoàn kết trong đồng bào dân tộc để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tuy nhiên, do được hình thành lâu đời, công tác tổ chức, quản lý chưa chặt chẽ cùng sự tiếp biến các loại hình văn hóa mới, vì vậy lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer ít nhiều tồn tại những hình ảnh chưa phù hợp với nếp sống văn minh. Dễ dàng bắt gặp là cảnh mua bán mất trật tự, ô nhiễm môi trường, lợi dụng lễ hội để tổ chức các trò chơi trúng thưởng hay một bộ phận giới trẻ không tha thiết với việc mặc trang phục truyền thống…

Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu phục dựng lễ hội Oóc-om-bóc lên sân khấu để phục vụ khán giả. Ảnh: H.T

SÁT CÁNH TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI

Là địa phương có nhiều ngôi chùa Khmer, vì vậy huyện Hòa Bình thường xuyên sát cánh với Ban quản trị các chùa để tổ chức lễ hội văn hóa trên tinh thần vui tươi, an toàn, tiết kiệm và đậm đà bản sắc văn hóa. 

Ông Trần Minh Thới - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết: “Trước mỗi dịp lễ hội, Phòng VH-TT huyện, các xã đều phối hợp, hướng dẫn các chùa xây dựng kế hoạch tổ chức sao cho vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đảm bảo các quy định về tổ chức lễ hội và phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới. Cụ thể là phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân ứng xử văn minh, gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp trong lễ hội và dần dần từ bỏ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp. Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian để tạo sinh khí rộn ràng”. 

Hằng năm, UBND huyện cũng dành nguồn lực hỗ trợ đội nhạc ngũ âm, đội múa dân gian Khmer của các chùa duy trì hoạt động, tập luyện tham gia các liên hoan trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó đã góp phần giúp các chùa chăm bồi năng khiếu, phát triển lực lượng kế thừa nghệ thuật truyền thống, cũng như đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ trong lễ hội. 

Trong khi đó, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu lại góp sức bảo tồn các lễ hội truyền thống theo cách đặc biệt. Đó là thường xuyên xây dựng các tiết mục phục dựng lễ hội, trong đó lựa chọn những nét tinh túy, đặc trưng nhất của phần lễ và phần hội để phục vụ khán giả, du khách. Việc sân khấu hóa các lễ hội không chỉ giúp du khách cảm nhận được sự độc đáo của văn hóa Khmer, khơi dậy niềm tự hào trong đồng bào dân tộc mà còn giáo dục ý  thức, trách nhiệm giữ gìn hồn cốt của dân tộc. 

Nếu chùa là nơi lưu giữ văn hóa thì lễ hội thể hiện gần như chứa đựng tất cả bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Tuy rất độc đáo nhưng trước sự phát triển của xã hội, lễ hội của đồng bào Khmer vẫn có nguy cơ bị mai một, bị tác động, do đó rất cần sự tiếp sức của các cấp, các ngành để bảo tồn, phát huy vẻ đẹp của văn hóa Khmer truyền thống.

HỮU THỌ - THANH MAI

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.