Trải lối về đất Chín Rồng

Thứ Hai, 22/10/2018 | 16:24

ĐBSCL là vùng đất đầy sức hút. Sức hút có ngay từ tên gọi mà người viết vẫn thích ghi cho đúng nghĩa tiếng Việt là “Chín Rồng”. Chưa có tài liệu nào khẳng định ai là người đặt tên, cũng như thời điểm ra đời. Chỉ biết rằng đó là một từ độc đáo để có tên gọi mỹ miều cho vùng đất đồng bằng nơi cực Nam đất Việt! Sông Mê-kông, một trong những con sông dài nhất thế giới khi chảy qua địa phận này lại rẽ thành chín nhánh mà người ta đã liên tưởng đó là chín con rồng vươn mình hòa vào lòng biển lớn. Sức hút, dĩ nhiên không chỉ bởi một tên gọi. Đất Chín Rồng đã và đang trải lối đón người về bởi nét đẹp tiềm ẩn của một vùng đất hữu tình. 
“Người dân ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM… sau những ngày làm việc, họ cần những ngày nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. ĐBSCL là một trong những nơi, theo tôi dự đoán, sẽ không phục vụ nổi! Hoàn toàn không phục vụ nổi bởi vì du lịch (DL) sinh thái, đặc biệt là sinh thái miệt vườn, sinh thái sông nước nó hấp dẫn con người ta vô cùng và nó khôi phục sức khỏe rất là nhanh. Tôi cho rằng tương lai thị trường trong nước chúng ta cũng chưa đáp ứng nổi chứ chưa nói đến du khách nước ngoài”. Đó là nhận định mang tính chuyên môn của ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội DL Việt Nam khi nói về DL đất Cửu Long.
Tài nguyên DL dồi dào
Về châu thổ Chín Rồng, nơi mê đắm nhất có lẽ là thiên đường đảo ngọc Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam với những Dinh Cậu, suối Tranh, suối Đá Ngọn, Bãi Sao, Bãi Dài… Tỉnh Kiên Giang được trời ban cho nguồn tài nguyên vô giá để ngày một giàu có hơn từ DL. Ngoài Phú Quốc, giờ đây tỉnh này còn có đảo Nam Du, đảo Hải Tặc đang mở lối thênh thang đón du khách tìm về.
Muốn khoe với ai đó “tôi đã đi dọc chiều dài Việt Nam”, có lẽ bạn chỉ cần đứng hiên ngang bên cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) và dang rộng đôi tay đón gió bên này biển Đông lẫn phía bên kia biển Tây nơi “Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. Vậy thì đất Chín Rồng lại có một tài nguyên Mũi Cà Mau giàu có chỉ ngay trong tên gọi để tận dụng làm DL.
Tỉnh An Giang thu hút du khách cả nước như một miền đất tâm linh với huyền thoại về dãy Thất Sơn hùng vĩ, nơi có ngọn núi Cấm với tượng Phật Di Lặc đạt kỷ lục tượng Phật trên núi lớn nhất Đông Nam Á. Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam tháng 4 âm lịch, cù lao Ông Hổ, lễ hội dân gian đua bò… luôn khiến An Giang chật ních lối đi mỗi mùa lễ hội.
Xứ Cần Thơ “gạo trắng nước trong” có khu chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ nổi ấn tượng nhất thế giới (do Tạp chí DL Rough Guide - Anh bầu chọn), cũng là một trong những chợ nổi đáng đến nhất thế giới và lớn nhất ở ĐBSCL (trang DL Youramazingplaces).
Miệt đất sen hồng Đồng Tháp có khu DL Tràm Chim - “top 5 vườn quốc gia lớn nhất thu hút khách khám phá của Việt Nam”, một điểm đến để tận hưởng không gian thiên nhiên hoang dã đẹp như tranh. Còn Bến Tre đang xây dựng sản phẩm đặc thù trên quê hương Đồng Khởi với thương hiệu “DL sinh thái sông nước Xứ Dừa”. Đến với nơi này, du khách sẽ được du ngoạn trên dòng sông lớn nhất thế giới, trải nghiệm không gian sông nước ngắm nhìn rừng dừa lớn nhất thế giới.
Bạc Liêu không có những cái nhất do thiên nhiên ưu đãi như thế. Nhưng, tỉnh này có những tài nguyên DL văn hóa độc đáo “có một không hai”. Đó là “Công tử Bạc Liêu” - nhân vật gắn liền với những sự thật lẫn giai thoại nức tiếng khắp vùng về sự xa hoa nhưng cũng là tính hào sảng của người dân Nam bộ. Là nơi đã dưỡng nuôi những nhân tài cho nền nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ và cải lương Việt Nam để thật tự hào khi trên quê hương này đã có điểm được quy hoạch là điểm DL quốc gia: Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu…
Đó là những tài nguyên DL hết sức quý báu. Nhưng, “mỏ vàng” ấy có làm giàu cho các địa phương hay không còn tùy thuộc vào động thái biến tài nguyên thành sản phẩm! Đừng mãi loay hoay với cụm từ DL sinh thái, DL văn hóa, DL tâm linh nữa, mà hãy tìm ra sản phẩm DL cụ thể. Mỗi địa phương tự tìm ra lời giải đáp cho bài toán DL. Có lời giải rồi hãy cùng ngồi lại với nhau để thắt chặt mối dây liên kết. Tua tuyến hấp dẫn định hình từ sự ngồi lại đó. Hãy làm cho DL vùng châu thổ này chấm dứt điệp khúc sản phẩm DL na ná nhau, đến một tỉnh là biết nhiều tỉnh. Đề tài này đã “nguội” trên những bài báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay cả những hội nghị, hội thảo bàn về DL ĐBSCL.

Đoàn khảo sát của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Chín Rồng miệt mài trải lối
ĐBSCL còn nhiều dư địa về DL. Nghĩa là nơi này còn nhiều tài nguyên chưa được biến thành sản phẩm DL. Đó là một sự “nghẽn” trên lối đi mà Chín Rồng đang miệt mài làm cho “thông” lối. 
Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 2743 ngày 29/12/2011), Quy hoạch tổng thể phát triển DL giai đoạn này đều xác định ĐBSCL là một vùng DL quan trọng với các sản phẩm DL mang tính đặc thù. Toàn vùng có 4 khu DL quốc gia (gồm Happyland - Long An, Thới Sơn - Tiền Giang, Phú Quốc - Kiên Giang và Năm Căn - Cà Mau); 7 điểm DL quốc gia (Láng Sen - Long An, Tràm Chim - Đồng Tháp, Núi Sam - An Giang, Cù Lao Ông Hổ - An Giang, TP. Cần Thơ, TX. Hà Tiên - Kiên Giang, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - Bạc Liêu). Nhưng, để những khu, điểm tầm cỡ này thu hút khách về, chính mỗi địa phương phải biến thành sản phẩm DL cụ thể. Điều du khách cần là cảm giác thích thú khi trải nghiệm chứ không phải từ tiếng tăm. Để từ một chuyến đi còn những chuyến trở lại, từ một trải nghiệm trở thành lời quảng bá để người khác tìm đến, từ một điểm dừng chân có thể trở thành điểm nghỉ dưỡng qua đêm. 
Trải lối đón người về đất Chín Rồng vẫn miệt mài như đi tìm lời giải đáp cho bài toán khó. Khó, bởi vì một thời gian dài, DL nơi này tự phát trong hướng đi. Mỗi địa phương cứ tự bước tới. Thế rồi, những mô hình na ná nhau cứ dàn trải, ở đâu cũng gặp. Đó là ngồi thuyền vào vườn trái cây, tham quan các lò bánh kẹo, thưởng thức ẩm thực sông nước, nghe ĐCTT…
Hiệp hội DL ĐBSCL chính thức ra mắt vào tháng 6/2008, đã hơn 10 năm. Những chương trình ký kết hợp tác phát triển DL toàn vùng đã giúp DL dần mở những hướng đi hứa hẹn. Khi đã có người “nhạc trưởng” này thì hy vọng những đề án cấp vùng như “Phát triển DL ĐBSCL đến năm 2020”, “Xây dựng sản phẩm DL đặc thù vùng ĐBSCL”…; những hội thảo để góp tiếng nói chung vạch hướng đi, định hình sản phẩm DL đặc thù (gần đây nhất là bàn về mô hình DL nông nghiệp - một hướng đi phù hợp thiên thời, địa lợi nơi này) sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. 
Sức hút của miệt đất phù sa mặn mòi luôn gợi hứng cho người xứ lạ tìm đến với mình. Nhưng chúng ta phải trải những lối đi đẹp, đầy thi vị để du khách tìm về. Làm DL luôn phải nhớ rằng, người ta cần những sản phẩm DL “chạm đến trái tim”, vì suy cho cùng, đi DL nghĩa là muốn được sống lãng mạn. Những yếu tố đó đất Chín Rồng thừa có. Cho nên, khi đã được “bật đèn xanh” (năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn), xác định đúng tầm quan trọng của ngành đối với sự phát triển mọi mặt của địa phương; thì chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân hãy đồng hành để trải lối đón khách về. Giải pháp đã đề cập rất nhiều trong hàng loạt hội thảo, đề án với sự hiến kế của những chuyên gia về DL. Vấn đề là chúng ta xúc tiến bằng chính sự tâm huyết, sáng tạo. Chính quyền địa phương mở cửa đón nhà đầu tư bằng chính sách, cơ chế thông thoáng, Hiệp hội DL vùng và các tỉnh xốc vác, nhiệt tâm trong vai trò cầu nối. Về phía người dân, người viết rất đồng tình với một nhận định “chúng ta không làm thì nhân dân cũng làm, vì đó là đời sống của người ta. Nhưng có bàn tay của những người lãnh đạo để vạch đường chỉ lối thì sẽ đi nhanh hơn”.
DL đất Chín Rồng sẽ còn tiến xa như chín con rồng mạnh mẽ vươn mình ra biển lớn nếu lối đi được trải rộng ngay thời hiện tại. 
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.