Trăm năm vang vọng khúc ân tình

Thứ Hai, 23/09/2019 | 17:46

Má tôi quê gốc ở miền Trung, nhà nghèo nên tha phương cùng ông bà ngoại tôi từ năm 13 tuổi. Trôi dạt vô tới vùng trũng của Đồng Tháp Mười, lênh đênh qua nhiều mùa nước lũ rồi lấy chồng, di cư tiếp đến vùng đất đỏ miền Đông. Từ đó má tôi thành người Nam bộ, dù không là chính gốc. Mà đã thành người Nam bộ rồi thì ghiền nghe vọng cổ, đờn ca tài tử và mê xem tuồng cải lương lắm.

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Tôi giống má, thích nghe vọng cổ, đờn ca tài tử từ lúc nhỏ. Trước năm 1975, mỗi buổi trưa mở đài phát thanh, cứ nghe được các nghệ sĩ Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh (hồi đó đoán mò rồi phán luôn, chắc như đinh đóng cột đây là 3 anh em!), Thanh Sang (số phận đẩy đưa, cuối đời lại là hàng xóm của tôi), Tấn Tài, Thanh Tuấn… cùng với các cô đào xinh đẹp Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ… cất giọng ngọt như mía lùi là sướng rơn. Tối đến, bật truyền hình có mấy tuồng cải lương “Tâm sự loài chim biển”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Đường gươm Nguyên Bá”… họ đóng vai chính, đội mão, đấu kiếm thì xem mê mẩn, không rời mắt…

Lớn lên, vô Sài Gòn học cử nhân, chuyên ngành học đòi hỏi phải đọc nhiều nên mới biết được xuất xứ của câu vọng cổ. Khu ký túc xá tôi ở nằm trong làng báo chí An Phú, Thủ Đức (quận 2 bây giờ) là nơi ở của khá nhiều trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng, trong đó có GS. Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc lừng danh thế giới. Thỉnh thoảng từ Pháp về, ông lại tổ chức nói chuyện về âm nhạc dân tộc ngay tại nhà. Sinh viên như tôi cũng được vô nghe ké. Cách ông giới thiệu, cách bình giảng dung dị nhưng cực kỳ lôi cuốn và hấp dẫn. Ông còn tự tay trình diễn nhạc cụ, ca hát để minh họa cho bài nói, hay không chê vào đâu được. Câu ca trong bản “Dạ cổ hoài lang” và cây đàn ghi-ta phím lõm dĩ nhiên không thể thiếu trong chủ đề nói chuyện của vị giáo sư đã gắn cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống.

Tôi thích miền Tây nên hay đi về vùng sông nước này. Lang thang đến tận Bạc Liêu, tìm đến khu lưu niệm người nhạc sĩ là “cha đẻ” của khúc ca làm say đắm biết bao con người Việt. Tại công trình văn hóa mà tỉnh Bạc Liêu đã trân trọng dành cho đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tôi biết được nhiều hơn về cuộc đời ông, về bài ca diễn tả nỗi nhớ chồng của người phụ nữ bao đêm thao thức vì xa chồng. “Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luôn trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng/ Ôi! Gan vàng thêm đau í à…”. Có lẽ có cả triệu người Việt từ thành thị đến nông thôn ở Nam bộ ngày nay đều có thể cất giọng ngân nga được những câu ca đã quá thân quen ấy. Tôi chắc ai cũng hiểu đó là tâm tư khắc khoải của người vợ cô đơn lúc canh khuya gửi cho đấng phu quân của mình. Nhưng liệu mấy ai hiểu đó là cách mà nhạc sĩ Sáu Lầu mượn lời để diễn tả tiếng lòng trong nỗi nhớ vợ đau đáu của chính ông khi bị gia đình buộc phải rời xa vợ vì tục lệ khắc nghiệt xưa “tam niên vô tự bất thành thê” (ba năm không thể có con thì không được xem là vợ)?! 

Không chỉ làm rạng danh cho đất và người của xứ Bạc Liêu, khúc nhạc lòng ấy (dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ làm thay đổi một phần lớn bộ mặt cải lương) đã trở thành nét văn hóa riêng cho du lịch miền đồng bằng của dòng Cửu Long. Ở miền Tây, dường như không tỉnh nào là không khai thác hình thức du lịch văn hóa với các buổi giới thiệu về đờn ca tài tử, vọng cổ cho khách. Về các khu du lịch miệt vườn ở Bạc Liêu, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang… khách vừa được thưởng thức các món đặc sản của vùng quê, vừa thả hồn mình trong các làn điệu vọng cổ, trích đoạn cải lương được phát triển từ bản “Dạ cổ hoài lang”. Khi lênh đênh ngược xuôi trên dòng sông Hậu, tôi cũng được nghe văng vẳng một khúc hoài lang mùi mẫn và ngọt lịm của thiếu nữ xinh đẹp trong bộ áo bà ba đầy xuân sắc trên chiếc ghe nhỏ lướt qua phiên chợ nổi Cái Răng lúc tờ mờ sáng…

Vậy đó, bản nhạc của nhạc sĩ Sáu Lầu vang vọng khắp nơi trên đất Nam bộ hiền hòa và giàu truyền thống âm nhạc tài tử. 100 năm đã đi qua, với bao đổi thay của xã hội, khúc ca ấy không chỉ vẫn giữ được cái hồn của nó, mà còn được thăng hoa bởi tài năng của nhiều nghệ sĩ cải lương qua nhiều thế hệ. Không còn là nỗi lòng riêng của người nhạc sĩ nữa, mà đã lan tỏa, ngấm vào máu của người dân phương Nam xưa và nay…

ĐỨC TRÍ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.