Trường đại học Bạc Liêu: Phát triển phong trào VH-NT trong sinh viên

Thứ Hai, 07/05/2018 | 16:16

Nhận thức đúng vai trò của VH-NT trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng văn hóa học đường, môi trường sư phạm, những năm qua, Trường đại học Bạc Liêu (ĐHBL) đã tích cực chỉ đạo lồng ghép, tích hợp các hoạt động VH-NT gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn dạy và học, phong trào văn hóa - văn nghệ của tỉnh nói chung. TS. Trần Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBL kiêm Chi hội trưởng Chi hội VH-NT của trường, khẳng định: “VH-NT đã có  tác động tích cực, hiệu quả đến chất lượng đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương”.

Chi hội VH-NT Trường ĐHBL trực thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh (LHH) được thành lập vào năm 2015, gồm 35 hội viên, họ chính là nòng cốt cho các hoạt động VH-NT của trường. Trong sinh viên có Câu lạc bộ (CLB) Cây bút trẻ thuộc ngành Ngữ văn (Khoa Sư phạm); trong Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có Đội Đờn ca tài tử, CLB Tuyên truyền ca khúc cách mạng và CLB Thuyết minh du lịch; trường còn có Tạp chí thông tin khoa học - giáo dục, đài truyền thanh… Đây là những tiền đề, lợi thế để phát triển phong trào VH-NT trong nhà trường nhiều năm qua.
Chi hội VH-NT Trường ĐHBL từ khi được thành lập đã trở thành nơi tập hợp các giảng viên hoạt động trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, chụp ảnh; do hoạt động VH-NT kiêm nhiệm như một lĩnh vực “tay trái” nên hội viên chi hội đã lồng ghép, kết nối với các hoạt động chuyên môn, văn hóa - văn nghệ của trường, Công đoàn cơ sở và đặc biệt là của Đoàn, Hội Sinh viên trường. Từ khi thành lập đến nay, chi hội luôn là “bệ đỡ” cho các hoạt động: Ngày thơ Việt Nam, Câu lạc bộ Cây bút trẻ, thi báo tường… Trong chương trình đào tạo, trường cũng đã đưa một số học phần tự chọn liên quan đến VH-NT, ví dụ như: sinh viên ngành Sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng về âm nhạc, múa, kỹ thuật, mỹ học, nghệ thuật học… Sinh viên ngành Tiếng Việt - Văn hóa Việt Nam được trang bị kiến thức về biên tập, quay phim, chụp hình, ngôn ngữ báo chí. Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh được học thêm kiến thức về văn hóa, khiêu vũ… 

Trường đại học Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh mở lớp dạy đờn ca tài tử cho sinh viên. Ảnh: H.T
Không chỉ tự nuôi dưỡng niềm đam mê, yêu thích VH-NT trong bản thân mình, các hội viên còn “truyền lửa” cho sinh viên về niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực VH-NT. Thông qua việc giảng dạy, hướng dẫn làm tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp, các hội viên đã hướng sinh viên chọn tác giả của Bạc Liêu, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL làm đề tài nghiên cứu. Họ hứng thú sưu tầm ca dao, dân ca địa phương, tìm hiểu những đặc trưng sáng tác của nhiều tác giả, nhà văn ở Bạc Liêu như: Phan Trung Nghĩa, Lâm Tẻn Cuôi, Huỳnh Ngọc Yến, Trần Chí Thành… Những đề tài nghiên cứu của sinh viên từ đó trở thành nguồn tư liệu quý cho những ai quan tâm đến văn học tỉnh nhà, góp phần giới thiệu đất và người Bạc Liêu rộng rãi khắp nơi… Nói về lĩnh vực này, TS. Trần Mạnh Hùng cho biết: “Suốt nhiều năm, Chi hội VH-NT Trường ĐHBL luôn nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của sinh viên ngành Ngữ văn, Tiếng Việt - Văn hóa Việt Nam. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã trở thành biên tập viên, phóng viên cho các cơ quan báo chí tỉnh nhà. Đặc biệt, nhiều em đã đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi bút ký, ảnh thời sự, giải báo chí cấp tỉnh và khu vực… Ngoài ra, chi hội còn tham gia nhiều hoạt động của LHH, sở, ban ngành cấp tỉnh. Các cuộc thi VH-NT như: tìm hiểu về nghệ thuật Đờn ca tài tử, nói thơ Bạc Liêu, tiếng hát truyền hình, văn nghệ quần chúng… đều thấy bóng dáng của hội viên chi hội VH-NT của trường. Ngoài ra, với đặc thù phần đông hội viên trong chi hội là giảng viên chuyên ngành Ngữ văn, cho nên các hội viên đã luôn tích cực nghiên cứu, viết bài để bổ sung cho mảng lý luận phê bình văn học của LHH”.
Hoạt động VH-NT ở Trường ĐHBL từ lâu đã trở thành “món ăn tinh thần” không thế thiếu, là cầu nối để đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với trí thức, sinh viên. Trong môi trường sư phạm này, VH-NT còn có chức năng định hướng, cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tình cảm của đội ngũ trí thức, sinh viên đối với Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng. “Phải coi hoạt động VH-NT là biện pháp hữu hiệu để xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú; là “cái nôi” để giáo dục sinh viên hướng tới chân - thiện - mỹ, có ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật, trân trọng nghĩa tình; nuôi dưỡng, nhân rộng những điển hình tiên tiến; qua đó nâng cao khả năng “đề kháng” của sinh viên trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, tạo ra môi trường sàng lọc, tiếp nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình hội nhập”, đó là “kim chỉ nam” trong việc gầy dựng, duy trì và phát triển phong trào VH-NT của Trường ĐHBL. Và đó cũng là những định hướng đúng đắn, kịp thời để Ban giám hiệu trường, Chi hội VH-NT Trường ĐHBL tiếp tục có những giải pháp căn cơ nhằm tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VH-NT trong thời kỳ mới” trong những năm tiếp theo. 
Nhật Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.