Từ “Châu Thành” đến “Thành”

Thứ Sáu, 28/09/2012 | 16:42

“Châu Thành” là một danh từ chung nhưng đã trở thành danh từ riêng để chỉ địa danh hành chính - tên của huyện hoặc thị trấn. Đặc điểm của huyện Châu Thành là huyện nằm bên cạnh thị xã, thành phố tỉnh lỵ. Như vậy, từ một từ có nghĩa là trong thành phố (thị xã), “châu thành” trở thành có nghĩa bên cạnh, ngoài thành phố!

Theo thống kê, hiện nay, “Châu Thành” là tên nhiều huyện, thị trấn và tất cả đều ở miền Nam, tập trung ở ĐBSCL (9/13 tỉnh, thành phố) và 1 ở Đông Nam bộ, cụ thể là: Hậu Giang, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Tây Ninh. Riêng tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành tách ra một huyện nữa lấy tên là huyện Châu Thành A. Vị chi hiện có tất cả 11 huyện Châu Thành.

Lại có thị trấn Châu Thành ở 4 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh. Đó là thị trấn huyện lỵ của huyện cùng tên.

Về địa danh cũ, có huyện Châu Thành của tỉnh Cà Mau (thị trấn huyện lỵ lúc ấy - sau năm 1975 là Tắc Vân), của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Long.

Về từ nguyên, nguồn gốc chữ Hán “Châu” (còn đọc là Chu), có nhiều mặt chữ khác nhau, trong đó có mặt chữ có nghĩa là “đất, cù lao” (châu thổ), có mặt chữ có nghĩa là “bao quanh” (chu vi, chu diên…). Trong từ “châu thành” với nghĩa ban đầu, “châu” có nghĩa là “bao quanh” nhưng cả từ “châu thành” lại có nghĩa là trong thành (phố), ở thành (phố).

Phải chăng với nghĩa gốc là “bao quanh”, huyện “châu thành” đã được nhiều người hiểu là huyện bao quanh (bên ngoài, liền kề) thành phố - thành phố (thị xã) tỉnh lỵ. Vì thế, có khá nhiều tỉnh (ở ĐBSCL) có huyện Châu Thành nằm liền kề tỉnh lỵ.

Nhưng huyện Châu Thành và Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang lại cách xa tỉnh lỵ là TP. Vị Thanh. Nguyên nhân là trước đây có tỉnh Hậu Giang lớn bao gồm cả TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang hiện nay và có huyện Châu Thành nằm liền kề với tỉnh lỵ Cần Thơ (nội ô TP. Cần Thơ hiện nay).

Hiện Bạc Liêu không có huyện Châu Thành nhưng trong lịch sử lại tồn tại một từ “thành” gây khó hiểu cho nhiều người. Đó là Thành Bạc Liêu. Đây không phải là địa danh hành chính mà là địa danh dân gian dùng để chỉ một vùng đất mà thực dân Pháp trước đây lấy làm trung tâm chính trị của hạt Bạc Liêu, sau đó đổi tên gọi là tỉnh Bạc Liêu. Ở đây có nhà tham biện (dinh Tỉnh trưởng), nhà máy nước, nhà máy điện, trại lính và cả trại giam… Và xung quanh được xây tường bao quanh làm hàng rào. Do tường cao nên dân gian gọi là “thành”… Từ “thành” này chẳng dính dáng gì đến “thành phố” cả! Dấu vết cái “thành” này không còn nữa vì thế càng gây khó hiểu cho nhiều người, nhất là người ở địa phương khác, kể cả các nhà nghiên cứu…

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.