Văn chương và đời thường…

Thứ Sáu, 20/10/2017 | 16:58

“Người ta thường đánh giá văn chương ở những gì đao to búa lớn, nhưng lại quên đi văn chương cũng nhẹ nhàng như hơi thở cuộc sống. Văn chương tồn tại trong từng phút giây của đời thường. Đó có thể là một nỗi buồn, mỗi giọt nước mắt, mỗi niềm vui, thậm chí vài ba tin nhắn của những đôi yêu nhau, của những cặp vợ chồng buộc phải yêu xa” - Lương Ngọc Thơ (Liên hiệp các Hội VH-NT), tác giả vừa đoạt giải Ba trong cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017 đã có phút trải lòng mình như thế.

Tác phẩm của Ngọc Thơ kể về hành trình ra đảo thăm chồng của một người vợ vào những ngày chồng bận việc không về đất liền thăm gia đình được. Bằng lối kể chuyện chân phương, Ngọc Thơ đã cho bạn đọc một góc nhìn về sự gian truân của người lính đảo, cảnh sinh hoạt của cư dân trên đảo, và sâu hơn chính là những hy sinh lặng thầm nơi “hậu phương”. Ngọc Thơ ví von những người vợ lính đảo là “Những người sống giữa hai bầu trời” - một bầu trời ở đất liền bình yên và một bầu trời ở nơi “đầu sóng ngọn gió”. Tác phẩm “Những người sống giữa hai bầu trời” đã mang về cho Ngọc Thơ giải Ba, trong số 138 tác phẩm của 38 tác giả trong khu vực ĐBSCL tham gia cuộc thi. 

Lớp tập huấn nghiệp vụ viết văn, làm thơ do Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức. Ảnh: C.K


Nếu không có những con chữ trong bút ký của Ngọc Thơ, ắt hẳn bạn đọc cũng có thể hình dung được cuộc sống nhiều nước mắt hơn nụ cười đối với những người vợ lính đảo. Thế nhưng, sẽ không ai có thể cảm nhận sâu sắc những khó khăn, thiếu thốn của họ. Thiếu thốn ở đây là thiếu về mặt tinh thần. “… Cứ độ hai tháng hoặc có khi “đảo” bận việc không vào bờ được thì tôi lại lóc cóc quảy ba lô lên bắt đầu hành trình hai lượt xe, hai lượt tàu để đi về nơi ấy… Có lẽ không ai hiểu được cái cảm giác đó, cảm giác đi một quãng đường dài, mệt mỏi vậy mà chỉ cách nơi nhớ mong ấy có hơn chục cây số nhưng buộc phải dừng lại và… đợi!” - Ngọc Thơ đã chạm đến cảm xúc của người đọc với “mỗi khi biển động không ra đảo được” rất đời thường, giản dị như thế.
Trong khuôn khổ giải Bút ký ĐBSCL năm 2017 vừa mới tổng kết, đọc từng tác phẩm với nhiều cách thể hiện khác nhau, mới hay văn chương cũng trôi nhẹ nhàng trong cuộc sống đời thường. Trong một lần trò chuyện với những người trẻ yêu văn, các bạn đều bảo là chưa tìm được đề tài ưng ý để triển khai thành tác phẩm. Đa phần các bạn đều đợi bắt gặp những gì “cao siêu” thì mới chấp bút. Tuy nhiên, thật ra văn chương luôn được khơi gợi từ những điều giản dị trong cuộc sống thông qua sự "chuyển tải" của người viết. Đó có thể là hình ảnh người quét rác sáng sớm ta bắt gặp trên đường; là những cây cỏ vươn mình đón ánh nắng đầu tiên trong ngày để rũ bỏ giọt sương còn đọng trên lá; hay một căn nhà vách lá đơn sơ nhưng được trang trí đầy những tấm bằng khen, huy chương của những tấm gương hiếu học… 
Như vậy, có thể thấy văn chương chính là sự tích lũy kiến thức, chi tiết đời thường rồi được tác giả thổi vào đó cảm xúc. Chính từ những tác phẩm của người yêu văn, sẽ có đủ chức năng để truyền cảm hứng tới người đọc. Để từ đó, nhiều giá trị trong cuộc sống sẽ được giữ gìn, con người đối xử tốt với nhau hơn, sống vì người khác nhiều hơn…
Ngọc Vũ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.