Vĩnh biệt nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi: “Còn ngơ ngác gọi tên”…

Thứ Tư, 13/12/2017 | 16:20

Xin được mượn chính tựa đề một bài thơ của nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi để thay lời tâm trạng của những người thân, bè bạn dành cho ông trong phút giây vĩnh biệt này. Dẫu biết rằng vòng quay sinh - lão - bệnh - tử là lẽ thường tình, nhưng tiễn đưa một con người sống vượt lên nghiệt ngã của số phận và suốt đời mải mê cuộc hành trình với thơ ca như ông, có quá nhiều tiếc nuối! Người ở lại vẫn còn thảng thốt, tiếc thương và “ngơ ngác gọi tên” Lâm Tẻn Cuôi - một nhà thơ ngồi trên xe lăn, chuyên làm thơ về tuổi học trò, luôn miên man hoài niệm và nhiều trăn trở với người, với đời…

Nhà thơ Lâm Tẻn Cuôi (ảnh từ Facebook cá nhân của ông)

 

Nhắm mắt lại chúng ta vẫn còn hình dung rất rõ hình ảnh Lâm Tẻn Cuôi. Chỉ còn một cánh tay là nguyên lành, là đủ sức để điều khiển chiếc xe lăn lăn dài trên đường phố - ông bị sốt bại liệt hồi còn nhỏ. Sự tổn thương về cơ thể cũng đã làm thương tổn tâm hồn suốt quãng thời thanh niên. Nhưng rồi ông đã không đầu hàng số phận, như lời của tiến sĩ Trần Thuận - một người bạn cũng là một độc giả thích đọc thơ Lâm Tẻn Cuôi: “Có lẽ sự tật nguyền đã mang lại cho anh nhiều phiền toái, song anh không lấy đó làm đau. Là một doanh nhân, anh tạo nên một gia đình vững chãi, con cái đề huề. Xua bớt nỗi nhọc nhằn, tìm đến với thi ca, anh đã làm nên một điều kỳ diệu”. Vâng, điều kỳ diệu đó là những vần thơ dung dị nhưng đủ làm lay động trái tim độc giả. Sức khỏe không nhiều (ông sống với bệnh đã lâu, phải thường xuyên uống và chích thuốc), nhưng Lâm Tẻn Cuôi viết thơ rất khỏe, mà vần thơ nào cũng đong đầy xúc cảm, đặc biệt là những tình cảm trong veo, hồn nhiên của tuổi học trò. Từ những cảm xúc đặc biệt dành cho “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” mà thơ Lâm Tẻn Cuôi đã thấm đẫm men tình. Thơ ông viết nhiều về tuổi học trò, những tình cảm thơ mộng ban sơ nhưng thấp thoáng lại ẩn hiện những hoài niệm, nhớ mong không thể nguôi ngoai, chỉ cần đọc tựa đề của những tập thơ thôi cũng nhận ra điều đó: “Thời trăng cũ”, “Bóng chiều phai”, “Từ thuở mưa bay”, “Tóc bay miền nhớ”, “Hương xa từng góc khuất”, “Ảo ảnh tình xa”…
Quá ngổn ngang cảm xúc khi phải tiễn biệt Lâm Tẻn Cuôi, những bè bạn, độc giả, bạn thơ của ông gửi toàn những lời chia buồn, thơ tiễn biệt đong đầy tâm trạng! Tập thơ nào của ông vừa xuất bản, tôi cũng là một trong những độc giả đầu tiên được ông ký tặng.  Tôi chăm chú đọc, lắng nghe tiếng lòng, nỗi trăn trở của ông gửi vào thơ để viết đôi dòng cảm nhận. Thơ Lâm Tẻn Cuôi gần gũi lắm, không quá trau chuốt, mỹ miều về ngôn từ. Thơ là tiếng nói của cảm xúc nên cảm xúc chân thành, con người hồn hậu thì thơ họ cũng sẽ chân thành, hồn hậu như thế! Viết về thuở học trò, thơ ông mang nhiều nhớ nhung, hy vọng: “Phượng thôi đừng trổ hoa hè nữa/ Để bé còn luôn bước nẻo về/ Để tôi còn ngắm ngàn hoa nắng/ Với bé hồn nhiên nghiêng nón che” (Hồn nhiên). Dẫu tóc đã hoa râm, ông luôn vẹn nguyên cảm xúc thuở nào: “Ngày xưa áo trắng bên thềm/ Ai mang cắm giữa trái tim bộn bề/ Để giờ canh cánh niềm quê/ Nhớ sao một thuở tóc thề mơ bay (Tóc thề mơ bay)… Để rồi biết bao nhiêu lần, người thảng thốt nhận ra: “Có bao giờ ta có được nhau đâu/ Mà giận mà thương mà buồn mà ghét/ Mà nhớ nhau với bao chiều tha thiết/ Để đêm về buồn da diết nẻo chiêm bao” (Một chút buồn nôn nao)… Thơ Lâm Tẻn Cuôi nếu không là áo trắng, sân trường, phượng vĩ, tóc bay… thì cũng là những nhớ mong, xa cách, mất và tiếc, hoài niệm và… ảo ảnh! 
Thơ học trò, những hoài niệm của thời yêu là mạch cảm xúc chủ đạo trong thơ Lâm Tẻn Cuôi, bên cạnh đó thơ ông còn nhiều đề tài khác nữa. Ông còn viết về tình cảm bao la của đấng sinh thành, ơn nghĩa thầy cô, thơ về quê hương, đất nước… Những góc tâm tư đáng trân trọng của một trái tim đam mê thơ cũng giúp thi ca Bạc Liêu có chỗ đứng nhất định - khiêm tốn trong dòng thi ca vùng ĐBSCL này! Xin được minh chứng bằng lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Bá khi đọc thơ Lâm Tẻn Cuôi: “Lâm Tẻn Cuôi đã hiện diện giữa vùng đất Bạc Liêu và đồng bằng Nam bộ bằng “cánh thơ” của mình, gấp rút chu toàn nhiều mặt để trở thành sứ giả trong đoàn văn nghệ cực Nam, cùng tựa vào nhau để góp sức cho thơ vươn tới”. 
Chín tập thơ với hàng trăm bài thơ, cùng nhiều bài thơ khác nữa đăng trên các tạp chí văn nghệ trong và ngoài tỉnh, và những tình cảm của độc giả mà nhà thơ đón nhận về đủ để khẳng định hành trình sáng tạo và “chu toàn nhiều mặt” ở con người đặc biệt này! Tôi chợt nhớ, ông còn là một người chịu học hỏi. Bất cứ cuộc họp mặt, giao lưu nào có liên quan đến thơ, bàn về chuyện làm thơ, ông đều có mặt, dù điều kiện đi lại khó khăn, sức khỏe không nhiều! Điều đó càng khiến người ở lại mãi nhớ một nhà thơ đã âm thầm trở thành “sứ giả” góp vào văn học địa phương nói riêng, văn học khu vực ĐBSCL những vần thơ học trò, những hoài niệm trong veo và hình như vẫn mãi một màu xanh - của cây đời, của tình yêu, dẫu cuộc đời riêng của ông không tròn vẹn như mơ ước. Trong nức nở nghẹn ngào, mọi người đã ngơ ngác gọi tên và ngậm ngùi đưa tiễn, xin được khép lại bài viết bằng dòng cảm xúc của anh Nguyễn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh đã gửi gắm khi hay tôi chấp bút viết bài này: “Từ nay sẽ không còn nhìn thấy nữa một nhà thơ khuyết tật nhưng giàu lòng yêu thơ và đam mê sáng tác, thường hay lang thang trên chiếc xe chuyên dụng của mình qua những con đường nên thơ, những cổng trường, hàng cây phượng vĩ… để viết nên những vần thơ lãng mạn, đầy cảm xúc của tuổi học trò, của đôi lứa yêu nhau, của tình đời và tình người thật đẹp, dâng đời!”.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.