Vườn chim của ngoại

Thứ Sáu, 05/04/2019 | 16:23

Ngoại tôi trở về gia đình sau khi chiến tranh kết thúc với chiếc ba lô xẹp lép, cũ kỹ, ông từ chối mọi lời mời của các cơ quan thời kỳ quân quản để bắt tay khôi phục màu xanh trên miếng đất hương hỏa mà ông cha khai phá. Hơn 1 năm dọn dẹp cây cối đổ ngã do đạn pháo, khỏa bằng những hố bom để trồng lại giống cây tràm đặc trưng của rừng U Minh, rồi qua 5 - 10 năm đã phủ toàn bộ màu xanh, ong kéo về xây tổ, chim cũng thi nhau từng đàn bay đến trú ngụ, các sản vật dưới tán rừng từ từ phục hồi. Ông lấy rừng nuôi rừng, dạy mấy đứa con cháu cách chăm sóc, phát triển sản vật tự nhiên của rừng. 


Năm nay ông ngoại có vẻ yếu đi nhiều, ông hay từ chối những lời mời tới chỗ đông người. Nhưng ông chưa một ngày quên chăm sóc vườn cò, đã gắn liền với tên tuổi của ông ở đây hơn bốn chục năm qua.
Ông ngoại không giống như đa số người xứ U Minh, ông cho con đi học đến hết lớp 9 rồi khuyên các con trở về nhà, ông phân chia đất đai giao cho quản lý và tìm nguồn thu từ rừng. Ông nói: “Ba không có khả năng nuôi 4 anh em con học đại học, do đó cứ lập nghiệp từ sức lao động của mình, có người làm thầy phải có người làm thợ chớ con”. Hình như trời cũng thuận lòng ông ngoại, cây cối xanh tươi, cuộc sống sung túc dần lên, đàn cò ngày một đông, nhiều người biết đến và những năm gần đây vườn cò Tư Tốt (tên ông ngoại tôi) đã trở thành điểm du lịch sinh thái.
Một nhà báo vào đây rất thích cách giữ chim cò của ông nên tìm hiểu: “Ông làm cách nào mà giữ được vườn chim gần bốn chục năm qua?”. Ông ngoại tôi nói: “Tôi coi nó như con, đây chính là nhà của nó mà!”. Rồi ông kể về những điều nên tránh là không gây tiếng động lớn làm chúng hoảng hốt, không gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi nồng nặc, không bắn phá, bắt chim thịt, chim con, lấy trứng. Mùa khô hạn lượng cá chúng tự kiếm không đủ, ông phải đi mua cá tạp về cho chúng ăn thêm, những con chim bị thương không đủ sức bám tổ bị rơi xuống đất thì ông đem vô nhà chăm sóc vết thương, cho ăn đầy đủ, khi chúng lành lặn, ông đem ra rừng thả lên cây. Ông ngoại biết tính nết của từng loại cò, vạc, và những loài khác sống cộng cư trong vườn, giờ nào chúng đi ăn, giờ nào trở về, mùa sinh sản của từng loại, thói quen khi săn mồi và nguyên nhân của những cuộc “cãi vã” vang động ngoài rừng, ngoại làm “bác sĩ” cho chúng và không hiểu phép thuật gì mà ông dễ dàng tiếp cận với chúng trong khi người khác khó mà đến gần. 
Khi đô thị hóa ngày càng mở rộng thì miếng vườn gần chục héc-ta của ngoại tôi cũng lọt vào tầm ngắm của những tập đoàn bất động sản, họ săn lùn “đất sạch” để xây dựng khu đô thị hoặc khu công nghiệp. Nhưng ông đã mạnh dạn và dứt khoát từ chối những lời mời hợp tác, chuyển nhượng với số tiền khổng lồ, các con ông cũng vậy, không ai nghĩ tới việc phải bán đi mái nhà chung của đám chim trời, bán đi mồ hôi của nhiều thế hệ đã thấm xuống mảnh đất hương hỏa này.
Bốn mươi năm, ngoại tôi không bán một con cò, con vạt nào hết. Ông nuôi chúng không vì lợi nhuận. Ông thương sự thủy chung của những con vật mỏng manh, yếu ớt này, nó đã phát đi tín hiệu hồi sinh của vùng đất nhuộm trắng thuốc khai hoang một thời chết chóc, vẽ lại bức tranh thanh bình, nên thơ vốn có của xứ sở hiền hòa và bây giờ nó là địa chỉ sinh thái tươi đẹp trên bản đồ du lịch xứ U Minh.
Bút Ngọc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.