Xuân Bính Thân 2016

Giao thừa

Thứ Năm, 28/01/2016 | 15:04

Tản văn Lê Quang Trạng

Nấu bánh tét ngày tết. Ảnh: C.T.V

Ông già bước ra cửa, cằn nhằn, sao 30 Tết rồi mà con Út chưa về? Bà già ngồi gói bánh sau bếp, nói vọng ra: “Tui điện thoại cho nó rồi, nó nói tết này nó không về kịp, nó phải trực ở công ty”.

Ông già thêm quạu: “Trực cái gì mà một năm có mấy ngày tết cũng không về kịp, con gì đâu mà không nhớ cha, nhớ mẹ…”. Giọng ông già hơi chuyển đoạn buồn khi đến những chữ cuối. Ông đi ra sau nhà ngó quanh. Cái chỗ này, hồi nhỏ con Út hay ngồi vọc nước; cái chỗ kia, nó hay cất nhà chòi. Và nơi này - nơi bà già đang lọ mọ gói bánh tét để gửi lên thành phố cho con, nơi mấy năm trước con Út hay cùng mẹ ngồi đó, thoăn thoắt cái tay gói những đòn bánh tét xanh lá trắng dây. Bây giờ ngó lại cái nhà vắng hoe, cảnh vật không thay đổi nhiều, làm cho ông già quơ đâu cũng thấy nhớ. Nhớ, làm cho ông nửa giận, nửa buồn đứa con đi làm cả năm nay không về.

Hàng tuần nghe giọng con qua điện thoại, vẫn ấm áp, vẫn thân quen. Nhưng làm sao đổi lại được bằng mấy phút bên con, nhìn nó thôi cũng đỡ nhớ. Nhưng đâu phải nhớ con không đâu, mà ông buồn vì chắc con nhỏ có nhớ gì đến ông bà già, có nhớ gì đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong con kênh cùng “khỉ ho cò gáy”, mùi tết thị thành cũng không với tới chốn này.

Nhà nhỏ, quanh mấy liếp chuối, liếp khoai như không bao giờ thiếu hơi người. Sáng ra ông già làm cỏ, tưới nước cho cây chuối, cây dừa. Mong nó tốt tươi để tết này có cái mà gói bánh. Ông săn sóc hàng mai trước cửa để con Út khi về nhìn mai thật cho đã thèm khi xung quanh nó ở chốn xa kia, đâu đâu cũng mai nở quanh năm mà đôi khi ngớ ra khi nó phát hiện mai bằng vải cao su nhân tạo. Ông già nhớ như in con nhỏ khoái mứt dừa, nên cứ gần Tết lại săn sóc mấy buồng dừa, bẻ xuống, lọ mọ làm cho con. Cả đời đàn ông, ông chỉ biết làm có món mứt dừa ấy.

Những ký ức tràn về, cũng là khi ông nghe lòng nhoi nhói. "Con nhỏ có nhớ gì nhà này có hai ông bà già đâu. Nó có nhớ gì tết quê nữa đâu. Nó mê thành phố mất rồi". Ý nghĩ ấy lặp đi lặp lại làm ông muốn khóc. Chuyến đò dọc cuối ngày chạy qua nhà lúc 7 giờ tối làm lòng ông như đứt một cọng dây hy vọng thật lớn: “Con nhỏ không về thật rồi!”.

Ông giấu đi nỗi thất vọng đó bằng cách vô mùng nằm ngủ. Ông nói, tết nhứt có gì đâu mà thức, ngủ sớm cho khỏe cái thân. Nhưng vô mùng rồi mà cứ trằn trọc hoài không sao ngủ được. Bà già ngồi têm mấy miếng trầu để tối cúng giao thừa, cằn nhằn: “Ông này, sao đàn ông đàn an gì mà như đàn bà con gái. Nhớ con ra mặt. Nó điện thoại về hoài không thấy sao, thì qua tết nó về bù, ở với ông cả tuần cho ông khỏi càm ràm”. Nhưng ông già không chịu, ông nói con nhỏ phải về cúng giao thừa, rồi đi đâu thì đi. Nhưng bà già lại bắt lỗi, sao ông nói tết nhứt không có gì mà… Ông già im lặng, nhưng nghe dạ xót xa…

Chiếc đò nổ máy từ xa, rồi neo lại trước nhà. Ông già miên man với ý nghĩ con nhỏ không về, bật ngồi dậy ra khỏi mùng, hỏi: “Ai vậy bà?”. Bà già bước ra ngoài, im ru. Con Út ôm chầm má trước nhà xong, bước vào nhà, bật đèn, nhìn ông già ứa nước mắt: “Con nhớ tía má quá chừng, con kêu xe về, con nói với giám đốc rồi, giá nào con cũng phải về cúng giao thừa với tía”. Ông già xúc động nhưng làm mặt lạnh: “Rồi người ta trừ lương con sao”. “Dạ, có người ở gần, họ lại trực thay con, giám đốc cho con về mà tía”, Út nói.

Ông già bước ra khỏi mùng cũng đúng lúc gần giờ cúng giao thừa, ông bày mâm ra, ông bà già và con Út thắp hương cho ông bà tổ tiên. Bất chợt con Út hỏi: “Sao tía không cúng dĩa muối gạo? Hồi nhỏ tía dạy con, cúng giao thừa phải có dĩa muối gạo mà”. Ông già nhìn con muốn ứa nước mắt. Và câu cuối của nó đã làm ông rơi nước mắt trước giờ sang năm mới, vì vui, vì mừng. Con nhỏ nói: “Đi đâu con cũng nhớ tía má, cũng nhớ tục lệ ông bà ngàn năm để lại…”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.