Xuân Kỷ Hợi 2019

Chắp cánh cho sản vật Bạc Liêu vươn xa

Thứ Tư, 16/01/2019 | 15:46

Bạc Liêu được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật. Không chỉ nổi tiếng ở địa phương, nhiều sản vật còn vượt đại dương chinh phục cả những thị trường khó tính, đem lại niềm tự hào cho người dân trong tỉnh.

Trứng Artemia vươn ra thế giới

Ở Bạc Liêu có nhiều sản vật vượt đại dương, chinh phục thị trường thế giới như: tôm, cá, khô mực, ruốc... Nổi trội trong số đó là trứng Artemia của Hợp tác xã (HTX) Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thủy sản năm 2018. Ảnh: M.L - L.D

Đi vào hoạt động từ năm 2003 với vốn điều lệ 140 triệu đồng, đến nay, HTX đã có vốn hoạt động hơn 4 tỷ đồng và là HTX duy nhất xuất khẩu trứng Artemia của tỉnh.

HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu có tổng diện tích sản xuất hơn 300ha (thực nuôi), áp dụng hình thức hợp tác là hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư một phần vốn sản xuất ban đầu cho người nuôi bằng con giống, phân bón và một phần tiền mặt, bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. HTX đã tạo điều kiện cho hơn 250 hộ nuôi, từ đó xây dựng cho xã viên cung cách làm ăn mới, đồng thời góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Trứng Artemia chứa rất nhiều dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng làm thức ăn trong sản xuất giống thủy sản mà hiện chưa có sản phẩm thay thế. Sản phẩm “Trứng Artemia 7 viên kim cương” của HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2004, đạt nhiều giải thưởng trong nước và đến nay đã xuất khẩu ở nhiều thị trường như: Nhật Bản, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp với kim ngạch 0,4 - 0,5 triệu USD/năm, năm 2018 đạt 0,8 triệu USD.

Theo ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HĐQT HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu: “So với các tỉnh, chỉ có vùng ven biển hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu được đánh giá là nơi sản xuất ra sản phẩm Artemia chất lượng vượt trội trên thế giới với hàm lượng dinh dưỡng cực cao. Nuôi Artemia là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định đầu ra cả trong nước và xuất khẩu”.

Bánh đậu xanh Hương Sen “xuất ngoại”

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thực phẩm, Vưu Vĩnh Phương Khoa không chọn con đường lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, mà quyết định trở về Bạc Liêu làm nghề truyền thống của ông bà để lại, đó là làm bánh đậu xanh.

Vưu Vĩnh Phương Khoa (bên phải) giới thiệu bánh đậu xanh Hương Sen tại hội chợ Trung Quốc.

Điều khiến chàng trai tuổi 24 quyết tâm lập nghiệp tại quê nhà cũng đơn giản: Bánh đậu xanh là nghề truyền thống được bà nội truyền lại cho ba của Khoa, bánh đậu xanh còn nuôi sống Khoa trong suốt 4 năm ngồi ở giảng đường đại học. Đó là vào những ngày nghỉ, chàng trai này lấy bánh đậu xanh của ba làm từ Bạc Liêu gửi lên để đi tiếp thị và bán ở các cửa hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Với khát vọng phát triển nghề truyền thống, sau khi về Bạc Liêu, Khoa đầu tư dây chuyền sản xuất bánh đậu xanh bằng quy trình hiện đại thay cho việc sản xuất bằng thủ công trước đây (tại phường 8, TP. Bạc Liêu). Đồng thời đăng ký nhãn hiệu độc quyền mang tên bánh đậu xanh Hương Sen.

Khởi nghiệp từ năm 2008, đến năm 2011, bánh đậu xanh Hương Sen đã được đưa vào bán tại hơn 120 siêu thị trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… với gần 100 tấn/năm.

Sự thành công của Khoa đã góp phần khẳng định ý chí và quyết tâm khởi nghiệp của giới trẻ bằng việc khai thác các tiềm năng, lợi thế vốn có và đưa các sản phẩm truyền thống trở thành đặc sản.

Bánh phồng sữa của Nông sản Việt “vượt ao làng”

Nghề làm bánh phồng sữa của người dân xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long) đã có mấy mươi năm, song sản phẩm này chỉ tiêu thụ trong tỉnh. Với quyết tâm đưa sản phẩm truyền thống gia đình ra khỏi ao làng, chị Tuyết Thu, chủ cơ sở sản xuất Nông sản Việt quyết tâm tìm tòi, học hỏi công thức chế biến mới kết hợp với công thức truyền thống để tạo ra những chiếc bánh phồng sữa ngon, chất lượng. Nỗ lực của chị đã đem lại kết quả mỹ mãn khi bánh phồng sữa Đất Phương Nam của cơ sở Nông sản Việt vượt ra khỏi địa phương để đến khắp các vùng miền trong cả nước.

Bánh phồng sữa của cơ sở sản xuất Nông sản Việt tham gia hội chợ.

Chị Tuyết Thu cho biết: “Trước đây, mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất 1.000 cái bánh phồng sữa, nhưng giờ đây đã lên đến 10.000 cái. Vậy mà vẫn không đủ cung ứng. Tôi dự định mở rộng cơ sở để sản xuất thêm nhiều loại bánh, đáp ứng nhu cầu thực khách” .

Ngoài sản phẩm chủ lực là bánh phồng sữa, hiện cơ sở Nông sản Việt sản xuất thêm bánh phồng chuối, bánh phồng tôm, chuối ép… để cung ứng cho thị trường. Qua đó thêm vào danh sách ẩm thực Bạc Liêu những món ăn ngon, chất lượng.

Tôm khô Đa Giàu có mặt từ Nam ra Bắc

Không kém cạnh bánh phồng sữa, con tôm khô “made in Bạc Liêu” cũng nổi tiếng gần xa bởi độ ngon, chất lượng, không sử dụng chất bảo quản mà giá thành lại hợp lý.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề làm tôm khô, từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nay tôm khô của cơ sở tôm khô Đa Giàu (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) đã có mặt từ Nam ra Bắc. Với quyết tâm đưa sản phẩm tôm khô Bạc Liêu có chỗ đứng trên thị trường, bà Huỳnh Thị Đa (chủ cơ sở) không quản ngại cực nhọc để tìm mua những con tôm thiên nhiên ngon nhất về chế biến. Tôm khô của cơ sở tôm khô Đa Giàu hiện là thương hiệu quen thuộc của thực khách trong và ngoài tỉnh.

Bà Huỳnh Thị Đa chia sẻ: “Bạc Liêu được thiên nhiên ban tặng các sản vật ngon, chất lượng. Con tôm sú, tôm đất, tép bạc khi làm khô có vị ngọt, màu sắc đẹp, mùi thơm đặc trưng nên được thị trường miền Đông và miền Trung ưa chuộng”.

Minh Luân - Kim Lâm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.