Xuân Tân Sửu 2021

Có đất nước nào, người dân thương nhau như vậy!

Thứ Ba, 26/01/2021 | 16:55

Giữa diễn đàn kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giọng quả quyết: “Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi, người dân lại thương nhau, giúp đỡ nhau như vậy”. Câu nói đã khiến hàng triệu con tim bồi hồi, dâng lên một niềm tự hào khó tả. Thật vậy, hết lần này đến lần khác, chỉ có thể là tinh thần dân tộc, là tình đồng bào sâu nặng mới tạo thành sức mạnh, niềm tin lớn lao đến thế để đất nước vượt qua mọi gian khó, mọi nỗi đau.

Năm 2020 đi qua nhưng đọng lại trong mỗi người Việt không chỉ có những ngày giãn cách xã hội, những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 hay sự đau thương của khúc ruột miền Trung vì bão lũ, mà còn là tình người, nghĩa đồng bào vẫn luôn nồng ấm mỗi khi hoạn nạn.

Máy ATM gạo của anh Nguyễn Thanh Huyện đã góp phần giúp đỡ hàng trăm người nghèo vượt qua khó khăn trong mùa dịch.

NHỮNG CÂU CHUYỆN ĐẸP GIỮA ĐẠI DỊCH

Còn nhớ những ngày đầu năm 2020, dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, đẩy biết bao gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Nghe theo lời hiệu triệu của Chính phủ, Nhân dân cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã cùng chung tay chống dịch, cùng nhường cơm sẻ áo với người nghèo.

Có thể thống kê một cách tương đối chính xác những số tiền, phần quà, chiếc khẩu trang được các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trao tặng cho người dân trong mùa dịch, nhưng làm sao có thể đong đếm cho hết những tình cảm, tấm lòng được chất chứa trong đó. Nếu không xuất phát từ một con tim yêu thương thì đã không có những câu chuyện cảm động về Mẹ Việt Nam anh hùng - Nguyễn Thị Tâm (Phường 8, TP. Bạc Liêu), cụ bà 93 tuổi - Trần Thị Lén (Phường 5, TP. Bạc Liêu) đến UBND phường trao tặng số tiền hưu, tiền mừng tuổi của con cháu cho địa phương phòng chống dịch, chăm lo cho người nghèo. Hay chuyện cả gia đình lão nông Trần Cuông (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) dù chẳng dư dả là mấy nhưng mỗi người góp một ít để mua nhu yếu phẩm tặng cho hàng trăm hộ bị mất thu nhập do dịch bệnh. Và còn là chuyện cô Nguyễn Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ninh Thành (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) chẳng màng nắng mưa lặn lội đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con chung tay phòng chống dịch, chưa kể những đêm cô lọ mọ may khẩu trang tặng chị em hội viên.

Cũng khiến nhiều người cảm phục là nghĩa cử của anh Nguyễn Thanh Huyện (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) - người tự tay sáng chế máy ATM gạo để mang những hạt gạo nghĩa tình đến với người nghèo. Kinh phí làm máy ATM cộng với 1 tấn gạo, 200 thùng mì tôm trong đợt phát gạo đầu tiên đều do anh Huyện tự bỏ tiền túi. Việc làm của anh nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng, chiếc máy ATM cũng vì thế nhận được thêm rất nhiều gạo và cả những tấm lòng nhân ái. “Tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều là giúp được gì cho bà con mình thì làm thôi”, câu nói chân chất, thiệt tình như chính con người anh Huyện.

Cán bộ, hội viên Hội LHPN Phường 3 (TP. Bạc Liêu) may khẩu trang tặng người dân để phòng chống dịch COVID-19.

DANG TAY ÔM LẤY KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG

Đại dịch chưa đi qua, miền Trung lại tiếp tục oằn mình chống chọi với cảnh bão chồng bão, lũ nối tiếp lũ. Thế nhưng, người miền Trung đã không đơn độc trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, trải dài khắp đất nước hình chữ S, triệu triệu tấm lòng đã cùng nhau dang rộng vòng tay ôm lấy khúc ruột của đất mẹ Việt Nam.

Tại Bạc Liêu, thương thay hình ảnh những Mẹ Chính ủy, Mẹ Việt Nam anh hùng dù tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn gắng sức tham gia lễ phát động ủng hộ miền Trung. Quý thay những chị em phụ nữ, chiến sĩ bộ đội vất vả gói từng đòn bánh tét để đồng bào mình không phải đói lòng. Và cũng yêu thay những em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, suy nghĩ chưa tròn nhưng vẫn biết tiết kiệm tiền quà vặt, khui heo đất để tiếp sức cho miền Trung…

Và còn những người đã vượt hàng trăm cây số, chẳng ngại hiểm nguy băng vào vùng lũ để đến với đồng bào miền Trung. Thậm chí, có những bạn trẻ “trốn” gia đình đi cứu trợ chỉ vì muốn góp một phần sức nhỏ bé giúp đồng bào vơi bớt đau thương. Đó là trường hợp của bạn Lâm Bằng (Phường 5, TP. Bạc Liêu) quyết tâm làm điều mà con tim mình mách bảo. Đến với các tỉnh miền Trung, chứng kiến cảnh những cụ già, trẻ nhỏ co ro trong mưa lũ bủa vây, nhiều người phải ngâm mình trong nước 2 ngày liền chỉ ăn bánh mì lót dạ…, lòng Lâm Bằng như thắt lại và càng cảm thấy điều mình làm là đúng.

Học sinh tiểu học trên địa bàn TP. Bạc Liêu tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung. Ảnh: H.T

Trong thiên tai, địch họa từ xưa cho đến nay, mỗi khi đất nước, đồng bào gặp gian khó thì ngọn lửa đoàn kết dân tộc, nghĩa tình đồng bào lại bùng cháy mạnh mẽ. Chính điều đó càng làm cho hai tiếng “đồng bào” trở nên thân thương và thiêng liêng hơn trong mỗi người. Thật tự hào với những ai được sinh ra, lớn lên trên một đất nước mà người dân luôn yêu thương, giúp đỡ nhau như vậy!

TRỊNH HỮU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.