Xuân Tân Sửu 2021

Khúc đồng dao Xuân Tân Sửu

Thứ Ba, 26/01/2021 | 15:26

Không biết các vùng miền khác thế nào, nhưng từ xưa ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Cần Thơ… có một cổ lệ lâu đời. Người xưa bảo“Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”, nhưng ở các tỉnh này còn có một cái tết nữa, đó là tết trâu. Tết trâu diễn ra cùng ngày với tết thầy. Hồi đó những gia đình nuôi trâu để cày bừa, cứ đến ngày mùng Ba tết là họ bày bàn hương án, với đầy đủ hoa quả, bánh trái bên cạnh chuồng trâu rồi thắp hương cúng bái. Đàn trâu được tắm rửa sạch sẽ, đứng trước bàn hương án và được cho ăn bánh tét, uống rượu…, được lì xì tiền mừng tuổi. Nhìn cách ứng xử của người xưa đối với những con trâu hiền lành, nhẫn nại mà đầy sức vóc ta nghĩ đến một thái độ hàm ơn, một tư duy nhận biết vai trò sứ mệnh của đàn trâu, một biểu thị văn hóa rất nhân văn của giai tầng nông dân trong quá khứ.

Nhà tôi có 12 công ruộng và 8 công lá dừa nước cùng với rừng chồi do ông bà nội khai phá để lại. Đất lại nằm kề sông Bạc Liêu. Khi ấy chưa có hệ thống thủy lợi ngăn mặn như bây giờ nên nước mặn nhấn chìm cả cánh đồng rộng vào dịp cuối năm, nước rong dâng cao. Mùa sa mưa xuống là cỏ nước mặn, cỏ năn các loại thi nhau mọc lên, lợp xanh cả cánh đồng rộng và cao đến rốn. Dân làng tôi làm ruộng bằng cách phát cỏ để cấy lúa. Vì là đất nhiễm mặn, nên mùa cấy ở làng tôi bắt đầu từ khi mưa già, nước đồng ngọt. Mùa cấy xong, 3 - 4 tháng sau mới đến mùa gặt. Lúc đó nông dân thường cấy những giống lúa như: Nàng thơm, Nàng tết, Trắng lùn… chúng chịu mặn, nhưng vụ mùa kéo rất dài ngày. Lúa trúng mùa cũng chỉ đạt xấp xỉ 10 giạ/công chứ không như bây giờ. Mùa gặt đông ken, làng tôi phải gặt vạn dần đổi công. Gặt rồi thì gom lúa chất thành ngố. Đợi đến tháng Chạp hoặc tháng Giêng thì gánh lúa hay dùng xuồng chở lúa về sân.

Ảnh: Đặng Quang Minh

Cách làm ruộng phát cỏ như thế nó tốn rất nhiều công lao động và năng suất rất thấp. Mỗi gia đình nông dân không thể canh tác được nhiều ruộng nên đời họ nghèo từ đời này qua đời khác. Má và chị Hai tôi suốt năm gặt thuê cấy mướn, ba tôi và các anh tôi cũng suốt năm gặt mướn, đập lúa thuê. Làm quần quật suốt năm mà khi Tết về vẫn túng quẫn. Ra Giêng lại đi hỏi mượn công cấy, công gặt trước để ăn suốt mùa giáp hạt. Cuộc đời nông dân cứ luẩn quẩn như thế. Năm tôi 5 - 6 tuổi, thương em mình nghèo, người chị thứ tư của ba tôi đã bán nợ, giá rẻ cho một con trâu cái già. Bà lại chọn cho con trâu có chửa. Một năm sau thì gia đình tôi có một đôi trâu. Cái đôi trâu khởi đầu nan ấy nó làm thay đổi lớn cuộc sống gia đình tôi. Phải nói là một cuộc cách mạng trong nghề nông mới đúng.

Nếu như trước đây 12 công ruộng của nhà tôi phát cỏ, với một người phát phải kéo dài đến 12 ngày mới xong. Đến khi gần cấy lại phải “chế”(phát lại) thêm 6 ngày nữa. Thế nhưng kể từ khi có đôi trâu, một mình anh Ba tôi đã cày xong mảnh đất ấy chỉ mất có 2 ngày. Đó là những đường cày thẳng tắp, lật bề mặt đất lên chôn vùi xuống phía dưới làm cho gốc rễ cỏ dại chôn sâu, rồi thối, không sống lại được. Đến khi gần cấy, anh Ba tôi vác bừa hoặc trục ra, làm trong một ngày là những đám cỏ non còn sót lại được diệt triệt để hơn và đất thì tơi xốp ra, mềm đi trở thành đất cấy tay, không cần nọc cấy nữa. Từ đó không chỉ giảm công lao động cho má tôi, chị Hai tôi vì năng suất cấy tay gấp đôi cấy nọc, mà năng suất của ruộng đất cày cũng tăng lên 30 - 40% so với đất cỏ. Tôi nhớ chính quyền cũ (chính quyền Việt Nam Cộng hòa) cũng có các chương trình khuyến nông phát thanh vào 5 giờ 30 sáng với tên gọi “Gia đình Bác Tám ”, kêu gọi nông dân trồng những giống lúa mới như: Thần nông 5, Thần nông 8, Thần nông đỏ… Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, gia đình tôi, sau khi ruộng biến thành đất cày nhờ có đôi trâu đã trồng các giống lúa mới kể trên và năng suất gấp đôi so với đất cỏ. Nông dân thời đó đã nhận ra giá trị của các loại đất, nếu đất cày thì giá gấp đôi đất cỏ.

Lác đác trong xóm tôi, người ta cũng bắt đầu tậu trâu về để làm ruộng. Từ ít đến nhiều. Ban đầu thì vài con, sau thành bầy trâu vào thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX. Từ đó đất làng tôi từ đất cỏ chuyển lên một đẳng cấp mới - đất cày. Năng suất đồng ruộng cũng tăng lên gấp đôi và lao động nhà nông thì nhàn nhã hơn trước rất nhiều. Từ ngày có những đàn trâu, đồng quê tối tăm, tẻ nhạt như có một sức sống mới. Bọn trẻ chúng tôi suốt ngày đi giăng câu, bắt cá kiếm sống khoác đời chăn trâu với những trò chơi truyền thống của cánh mục đồng và từ đó đi vào thơ ca đầy thi vị. Ba tôi và anh Ba tôi biến thành thợ cày. Cày đất nhà xong thì vác ách, lùa trâu qua đồng khác mà cày mướn, thu nhập gia đình cũng có thêm nguồn mới.

Ảnh: Đặng Quang Minh

Kể từ ngày những bầy trâu kéo về, lội bì bõm trên đất làng tôi đã tạo ra một mối quan hệ mới, một tư duy mới về thú vật đối với con người. Người làng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác thay phiên nhau gắn bó với đàn trâu. Người làng tôi trao cho trẻ con sợi dây vàm buộc mũi trâu trước khi trao cho chúng quyển sổ đến trường. Địa vị con người từ chú mục đồng chuyển lên anh thợ cày. Suốt ngày chúng tôi bì bõm lội theo đàn trâu. Cho đến một ngày chúng tôi nhận ra rằng: Nếu không có những con trâu thì đời sống nông dân phải làm sao nhỉ?

Khác hơn những cỗ máy vô tri, con trâu có một đời sống thực, có linh hồn. Thế nên, đối với nông dân của thời trâu cày, giữa người và trâu có những mối quan hệ cảm động. Trong mắt họ, con trâu sức lực phi thường mà hiền lành nhẫn nại, đã làm thay cho họ hầu hết những công việc nặng nhọc của nhà nông. Từ ngày sinh ra, sau 2 năm long nhong thì mang ách kéo cày cho tới chết. Đời người và đời trâu cứ bện chặt, vất vả trên những cánh đồng trái tính, trái nết để làm ra những vụ mùa vàng mơ bông lúa.

Ảnh: Đặng Quang Minh

Tết Tân Sửu đang về, mùng Ba tết năm nay không biết có còn ai ở Bạc Liêu và đồng bằng này làm lễ tết trâu không nhỉ? Riêng tôi, một gã đàn ông tuổi Tân Sửu, từng lẽo đẽo theo đàn trâu, đi ra từ làng quê nghèo khó với đời sống trâu cày cứ rưng rưng, cảm động như mùa xuân là một khúc đồng dao sâu thẳm hát trong tâm hồn mình một khúc tự tình quê hương nguồn cội. Quê hương tôi không còn những đàn trâu, cha mẹ, anh Ba, chị Hai tôi… Những người nông dân của thời trâu cày cũng đã hóa thành cánh cò, cánh vạc. Giờ đây trước mắt tôi là một cánh đồng nuôi tôm, ngổn ngang bờ vuông và máy móc. Cả đồng đất Bạc Liêu này 3/4 đồng lúa trở thành những ao tôm. Bạc Liêu trở thành thủ phủ tôm công nghệ cao của cả nước. Đời sống trâu cày đã bị thủ tiêu hoàn toàn trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đó là những bước đi tất yếu của sự phát triển. Có điều con cháu tôi sau này sẽ hoàn toàn không biết mặt mũi của đời sống trâu cày tròn méo ra sao.

Và tôi từ trong ấy mà đi ra. Tôi thấu hiểu rằng đất đai này có được, rộng dài như hôm nay là ông bà xưa cơ cực, cùng với những bầy trâu làm nên đời sống “thời trâu cày” trên một vùng đất hoang vu, tăm tối. Và tôi được đời sống ấy nuôi nấng lớn lên bằng những vụ mùa lưa thưa bông trái, đủ sức vóc mà đi đến cuối đất cùng trời. Quê hương chẳng những cho tôi thân xác mà nó còn nuôi dưỡng tâm hồn, thắp lửa cho nhân cách.

Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.