Y tế - Sức khỏe

Bệnh Gout và những biến chứng nguy hiểm

Thứ Hai, 09/10/2017 | 15:11

Nhiều người sáng thức dậy phát hiện bàn tay, bàn chân mình bỗng dưng bị biến dạng, các khớp sưng vù… Ai cũng nghĩ đơn giản mình bị đau nhức khớp dẫn đến sưng tấy, nhưng thực chất đó là biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout (gút), còn gọi là bệnh thống phong. Đây là một trong những căn bệnh về xương khớp sinh ra do rối loạn chuyển hóa các nhân purin, dẫn đến tăng acid uric máu.

Một bệnh nhân bị hủy hoại khớp do biến chứng từ bệnh Gout. Ảnh: T.L

Hiện nay, người mắc bệnh Gout ngày càng gia tăng, tuy nhiên vẫn còn rất ít người hiểu biết đầy đủ về nó. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Chơn Tâm (65 tuổi, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Ông Tâm cho biết, cách đây ít hôm, ông ngủ dậy thấy hai bàn chân, nhất là các khớp ngón chân bị sưng đỏ, rất đau nhức. Ông Tâm đi lấy thuốc đông y về uống, song, bệnh càng ngày càng tăng, các đốt khớp càng sưng to hơn. Lo lắng cho sức khỏe, ông Tâm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám thì mới hoảng hồn vì bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh Gout lâu ngày dẫn đến biến chứng suy thận.

Theo các bác sĩ chuyên khoa về xương khớp (thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), khi acid uric máu tăng đến một mức nào đó (mức độ này thay đổi ở từng cá thể), chúng sẽ bị bão hòa ở dịch ngoài tế bào dẫn đến lắng đọng tại các mô, khớp, thận, gây nên các triệu chứng của bệnh Gout trên lâm sàng. Bệnh Gout thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, đặc biệt là ở những người béo, ưa uống rượu, ăn nhiều chất đạm.

Hầu hết các trường hợp bệnh Gout đều có một nỗi khổ chung là những cơn đau đột ngột, thường xuất hiện vào ban đêm. Diễn biến bệnh âm thầm và không có những dấu hiệu báo trước.  Người bị bệnh Gout thường có những biểu hiện như: Cảm giác đau dữ dội ở khớp, tác động nhiều nhất tới khớp ngón chân cái, nhưng có thể xảy ra ở bàn chân, cổ chân, đầu gối, bàn tay và cổ tay. Đa phần các cơn đau thường kéo dài 5 - 10 ngày và sau đó thì hết. Sự khó chịu giảm dần sau 1 - 2 tuần, để lại khớp có vẻ rất bình thường và không đau.

Thường thì Gout xuất hiện khá đột ngột. Trước khi đi ngủ, người bệnh vẫn còn trong trạng thái bình thường, song, buổi sáng ngủ dậy thì thấy đau đớn khủng khiếp ngón chân cái hoặc một số nơi khác, phần khớp hoặc da bị viêm và các phần xung quanh sưng tấy đỏ. Khi xét nghiệm nước tiểu và dịch khớp thấy có độ tập trung acid uric cao hơn mức bình thường.

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh Gout là do nồng độ acid uric trong máu tăng quá cao, acid uric gia tăng trong máu, tích lũy dần dần và lắng đọng thành những tinh thể sắc nhọn hình kim tại các khớp hoặc bao quanh các khớp gây ra triệu chứng đau đớn, viêm sưng khớp.

Nguy cơ bệnh Gout gia tăng thường là ở những người có lối sống không lành mạnh (những người uống nhiều cồn, đặc biệt là rượu, bia), những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, hẹp lòng động mạch, phẫu thuật hoặc một số bệnh lý và tổn thương nặng, ít vận động. Bệnh Gout cũng có khả năng xảy ra ở những người sử dụng nhiều thuốc lợi tiểu, aspirin liều thấp… hoặc người có tiền sử người thân trong gia đình bị Gout. Bệnh hay mắc phải ở nam giới nhiều hơn nữ giới, nam giới thường bị Gout ở độ tuổi khoảng 30 - 50 tuổi, còn nữ từ 50 - 70.

Bệnh Gout trở nên nguy hiểm nhất là khi phát hiện trễ sẽ dễ dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong như: Tổn thương dẫn đến tình trạng hủy hoại khớp, đầu xương, làm bệnh nhân bị tàn phế. Các hạt tophi bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết; nguy cơ sỏi thận do lắng đọng của muối u-rát trong thận. Ngoài ra, người bệnh Gout còn tăng nguy cơ thận ứ nước, ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim; tổn thương các cơ quan như: máu, thận, tiêu hóa, dị ứng do ảnh hưởng bởi các loại thuốc chống viêm trong quá trình điều trị bệnh. Và còn có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh, thậm chí có thể gây tử vong.

Nguyên tắc điều trị cho người bệnh Gout được các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo chủ yếu là chống viêm khớp trong các đợt cấp, hạ acid uric máu để phòng ngừa những đợt viêm khớp cấp tái phát, ngăn ngừa biến chứng. Ngoài ra, cần điều trị bệnh lý rối loạn chuyển hóa đi kèm (nếu có)như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, béo phì… Trong quá trình điều trị nên điều trị viêm khớp cấp trước, sau khi tình trạng viêm khớp đã hết hoặc thuyên giảm mới bắt đầu dùng thuốc hạ acid urid máu. Một số u cục quá to cản trở vận động có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.

Ngoài ra, việc sử dụng nhiều thuốc trong quá trình điều trị cũng có thể gây nên tai biến, các thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương nhiều cơ quan như máu, thận, tiêu hóa, dị ứng. Kết hợp với hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ ăn uống kiêng những loại thực phẩm, nước uống… có khả năng làm tăng nhanh lượng acid uric máu.

N.M (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.