Y tế - Sức khỏe

Bệnh quai bị và cách phòng tránh

Thứ Tư, 11/04/2018 | 15:33

Quai bị là bệnh cấp tính do vi-rút gây ra, làm viêm các tuyến nước bọt mang tai. Bệnh có nguy cơ lây lan cao, dễ gây thành dịch, bệnh thường phát vào mùa xuân, hè trong môi trường tập thể đông đúc như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi…, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em ở độ tuổi từ 5 - 14 tuổi.

Những dấu hiệu biểu hiện của bệnh quai bị. Ảnh: Internet

Bệnh quai bị lây qua đường nào?

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua nước bọt bắn ra khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi và khi dùng chung những vật dụng cá nhân. Thời gian lây từ 6 ngày trước khi có biểu hiện sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau đó.

Biểu hiện của bệnh

Sau khi nhiễm vi-rút quai bị khoảng 2 - 3 tuần, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đau họng và đau góc hàm. Sau đó tuyến mang tai sưng to dần khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần, có thể sưng một bên hoặc sau khi giảm sưng bên này mới sưng bên kia. Vùng sưng thường lan ra má, dưới hàm đẩy tai lên trên và ra ngoài, da ở vùng sưng không nóng, không đỏ, cảm giác căng đau, người bệnh có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi khó thở. Các biểu hiện trên kéo dài khoảng 10 ngày rồi giảm dần và hết.

Biến chứng

Một số trường hợp có thể biến chứng thường gặp như: viêm tinh hoàn, một số trường hợp sau đó bị teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh ở nam giới; gây viêm buồng trứng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau ở nữ giới. Ngoài ra, quai bị có thể gây các biến chứng khác như: viêm cơ tim, viêm tụy, viêm tuyến giáp, viêm thanh khí - phế quản - phổi, rối loạn chức năng gan…

Cách chăm sóc và điều trị

Chế độ nghỉ ngơi: Bệnh nhân cần được cách ly và nên nằm nghỉ suốt giai đoạn sốt, đến khi nào những triệu chứng của bệnh khỏi hẳn. Bệnh nhân mắc bệnh quai bị không được làm việc nặng, vì có thể làm sưng tinh hoàn. Nên áp một miếng gạc ấm để giảm đau vùng tuyến bị sưng.

Chế độ dinh dưỡng: Uống nhiều nước là một cách giảm sưng hiệu quả. Tuy nhiên người mắc bệnh quai bị không nên uống nước ép trái cây có vị chua vì nó chứa nhiều thành phần a-xít, gây kích thích các tuyến mang tai, tạo nhiều nước bọt và gây đau nhiều hơn. Hạn chế thức ăn có chứa thành phần nếp (xôi, bánh tét…) vì chúng có thể làm cho vùng hàm trở nên sưng to hơn. Nên chọn thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt, hạn chế nhai nhiều.

Thói quen sinh hoạt: Kiêng tắm nước lạnh, người mắc bệnh quai bị chỉ nên tắm nước ấm, không được ngâm mình quá lâu trong nước. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng là một trong những cách đẩy lùi bệnh. Kiêng ra gió vì sẽ làm cho vùng quai bị sưng to hơn và tránh phát tán mầm bệnh ra môi trường không khí, lây lan cho người khác.

Trường hợp viêm tinh hoàn nên mặc quần lót nâng dịch hoàn để giảm đau, giảm căng. Nếu bệnh tiến triển nặng, cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc hạ nhiệt, giảm đau chống viêm, hoặc rạch giải ép túi tinh nhằm giải phóng tinh hoàn khỏi chèn ép và ngăn ngừa teo tinh hoàn thứ phát sau đó.

Cách phòng bệnh quai bị

Tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị, vắc-xin có thể được sử dụng bất kỳ thời điểm nào ở trẻ trên 12 tháng tuổi, nhưng thích hợp nhất lúc 12 -15 tháng tuổi (vắc-xin dịch vụ, người tiêm tự chi trả kinh phí).

Cách ly với người bệnh quai bị

Người mắc bệnh cần được cách ly với mọi người xung quanh cho đến khi nào thấy hết sưng, nhằm tránh việc lây nhiễm mầm bệnh cho người khác. Trong gia đình có người mắc bệnh quai bị thì khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang và không được dùng chung vật dụng cá nhân.  Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là đường hô hấp, các đồ vật có liên quan đến chất tiết mũi, họng cần phải được diệt khuẩn tốt.

Tú Em

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.