Y tế - Sức khỏe

Các bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa mưa

Thứ Hai, 09/11/2020 | 16:27

Hiện nay, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường, khí hậu ẩm thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm… phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đặc biệt với hệ miễn dịch kém ở trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen suyễn.

Thời điểm này cũng là mùa sinh sản của muỗi và cũng là mùa phát triển của các siêu vi đường hô hấp, đường tiêu hóa. Có thể nói, trong mùa mưa các bệnh hay gặp ở trẻ em là sốt xuất huyết, các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Đây cũng là những bệnh dễ gây tử vong hơn cả. Trong các siêu vi đường hô hấp, hay gặp nhất là siêu vi Influenzae, và APC (Adeno-Pharyngo-Conjunctival).

Siêu vi APC có thể gây bệnh ở 3 nơi: Viêm hạch, viêm họng và viêm màng tiếp hợp (đau mắt đỏ), trong đó hay thấy nhất là viêm họng.

Thật ra, cả cảm cúm và viêm họng đều dẫn tới các biến chứng hô hấp, chủ yếu là viêm phế quản và viêm phổi, gọi chung là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Ngoài ra, mùa mưa cũng là mùa phát triển của các tác nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Gây bệnh tiêu chảy chủ yếu là các vi khuẩn E.coli, Campylobacter và siêu vi Rotavirus; Gây kiết lỵ là các vi khuẩn Shigella, ký sinh trùng Amibe. Ngoài ra, các vi khuẩn Salmonella, thủ phạm gây ra bệnh sốt thương hàn, cũng là một vi khuẩn thuộc đường tiêu hóa, luôn gây bệnh trong mùa mưa. Các loại bệnh này (tiêu chảy, kiết lỵ, sốt thương hàn) được gọi chung là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Bệnh tay chân miệng: Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch. Bệnh do 2 vi-rút gây nên là Enterovirus 71 và Coxsackievirus. Khi phát dịch, bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh hay qua bàn tay chăm sóc của bảo mẫu.

Bệnh viêm tiểu phế quản: Thường gặp nhiều vào mùa mưa. Lúc đầu, trẻ chảy mũi và hắt hơi. Những triệu chứng này kéo dài vài ngày, có thể đi kèm với biếng ăn và sốt nhẹ, ít khi sốt cao. Sau đó trẻ ho, khò khè, khó thở. Trẻ bắt đầu bú khó vì việc thở nhanh cản trở việc mút và nuốt. Trong những trường hợp nhẹ, triệu chứng biến mất trong vòng 1 - 3 ngày; còn đối với những trường hợp nặng, diễn biến nhanh hơn và bệnh kéo dài. Biến chứng nặng thường gặp ở trẻ từ 2 - 3 tháng tuổi là suy hô hấp.

Riêng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ thiếu tháng, thở không đều và có cơn ngưng thở là dấu hiệu thường gặp của suy hô hấp. Ngưng thở có thể là nguyên nhân gây đột tử ở nhũ nhi. Tùy trường hợp, trẻ cần thở oxy, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh thân nhiệt, bù dịch, dinh dưỡng hợp lý và giảm tắc nghẽn bằng vật lý trị liệu hô hấp.

Cho đến nay, bệnh sốt siêu vi chưa có thuốc điều trị. Khi trẻ bệnh, phụ huynh cần lau mát, hạ nhiệt, cho trẻ uống Paracetamol hạ sốt (liều lượng tính theo cân nặng). Cần nhớ, kháng sinh không có khả năng loại trừ sốt siêu vi. Về ăn uống: Cần uống bù nước, ăn món ấm nóng, nhiều nước như xúp, cháo…

Sốt siêu vi là bệnh cấp tính, diễn tiến từ 3 - 7 ngày, nên cho bé nghỉ học vì bệnh lây lan nhanh. Khi chăm sóc trẻ sốt siêu vi, cần lưu ý đưa bé nhập viện khi thấy các triệu chứng như lừ đừ, bỏ ăn…

Khám bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Lợi. Ảnh minh họa: C.K

Thời tiết ẩm thấp, mưa gió như hiện nay khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, hay còn gọi là cảm mạo phong hàn. Đây là những bệnh truyền nhiễm do một số vi-rút khác nhau gây ra và thường xảy ra nhất trên thế giới.

Cảm lạnh thông thường và cúm bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi… Bệnh thường lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ như hít phải vi-rút bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bệnh…

Mùa mưa là mùa sinh sản của muỗi. Do đó, các bệnh do muỗi truyền sẽ phát triển, và ở trẻ em thì đáng chú ý hơn cả là bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, còn có các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Sốt xuất huyết nhẹ thì gây chảy máu cam, chảy máu răng, nặng thì nôn ói, tiểu tiện ra máu, rồi xuất huyết dưới da… Nặng nữa thì bị một biến chứng gọi là sốc: Trẻ trở nên lừ đừ, không tỉnh, chân tay lạnh ngắt, mạch yếu hẳn hoặc không còn. Và cứ thế, trẻ đi vào hôn mê rồi tử vong nếu việc chữa trị để quá muộn.

Một trong những bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhất là khi đường phố thường xuyên ngập nước, đó là các bệnh ngoài da như nước ăn chân, viêm nang lông, mụn mủ trên da, viêm ké…

Bệnh đường hô hấp: Triệu chứng của bệnh này là trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, có đàm, thở khò khè, có cháu thở rất khó. Nguyên nhân là do các siêu vi nói trên đã đột nhập vào mũi, họng của trẻ, rồi xuống phế quản, xuống phổi. Trong nhiều trường hợp, một số vi khuẩn khác cũng nhân cơ hội đó tấn công vào bộ máy hô hấp, làm cho bệnh nặng thêm, trong đó hay gặp nhất là vi khuẩn S.Pneumoniar và H.influenzae.

Các siêu vi và vi khuẩn nói trên đều phát triển mạnh trong mùa mưa, trong thời tiết ẩm thấp, và rất dễ lây truyền.

Trúc Ly (tổng hợp)

Cách chăm sóc và phòng bệnh mùa mưa cho trẻ

Tránh cho trẻ bị ướt mưa, giữ ấm cho trẻ, nhưng không được quấn trẻ quá nhiều làm trẻ khó chịu, tăng thân nhiệt.

Cung cấp cho trẻ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Khuyến khích trẻ lớn năng tập thể dục.

Rửa tay giúp phòng ngừa được nhiều bệnh lây qua đường miệng. Bạn cần phải rửa tay kỹ cũng như tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh…

ĐV-TN TX. Giá Rai tham gia chiến dịch diệt lăng quăng phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Ảnh: C.K

Giữ nhà ở luôn khô ráo, thoáng mát. Dọn dẹp bụi rậm, ao tù nước đọng, nuôi cá diệt lăng quăng… Cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày.

Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như ho, khò khè, sốt, nôn ói, chảy máu mũi, bú kém…, nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bên cạnh việc phòng tránh một số bệnh nêu trên, cần lưu ý tới một số căn bệnh khác thường xuất hiện trong mùa mưa như: Sốt phát ban, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng nước, bệnh tả, bệnh trùng xoắn móc câu (khuẩn xoắn móc câu ký sinh có thể gây nguy hại cho thận, gan, gây viêm màng não và hô hấp cấp)…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.