Y tế - Sức khỏe

Cẩn thận với bệnh cúm

Thứ Hai, 12/12/2022 | 16:07

Bất cứ ai cũng có khả năng nhiễm cúm và hầu như ai cũng đã từng trải qua ít nhất một lần bị cúm trong đời. Cúm được xem là một trong những căn bệnh đáng sợ khi bùng phát thành dịch, lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới.

Khám bệnh cho người cao tuổi. Ảnh minh họa: C.K

Cúm là bệnh gì?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 - 1,8 triệu người mắc cúm mùa.

Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm

Thông thường, các triệu chứng bị cúm có thể xuất hiện và khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh cúm kéo dài gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Một đợt cúm thường xảy ra theo 3 giai đoạn sau:

Giai đoạn khởi phát (ngày thứ 1 - 3): Các triệu chứng cúm đột ngột xuất hiện bao gồm sốt, nhức đầu, đau và mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi.

Giai đoạn toàn phát (ngày thứ 4 trở đi): Triệu chứng sốt và đau nhức cơ giảm. Người bệnh bị khàn tiếng, có cảm giác khô hoặc đau họng, ho và cảm thấy tức ngực. Ngoài ra, một số người cũng có thể thấy cơ thể mệt mỏi hoặc đầy hơi.

Giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 trở đi): Các triệu chứng giảm dần, cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1 - 2 tuần tiếp theo.

Nguyên nhân gây bệnh cúm

Virus cúm (Influenza virus) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người, virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi.

Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi 3 chủng virus cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng phổ biến nhất ở người. Cúm có khả năng lây nhiễm khủng khiếp, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch. Trong lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người như: Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, đại dịch cúm A/H1N1 năm 2009…

Các dấu hiệu, triệu chứng cúm thường gặp

Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:

Sốt vừa đến cao (trên 38oC); Cảm giác ớn lạnh; Đau đầu, chóng mặt; Đau nhức cơ bắp; Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực; Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).

Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Bệnh cúm có lây không? Lây qua đường nào?

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm virus rất cao trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lớn bùng phát thành đại dịch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn nên chủ động phòng tránh và ngăn chặn nguồn lây virus cúm cho người khác. Thông thường, virus cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người chủ yếu qua 2 đường: Lây qua dịch tiết đường hô hấp và bề mặt tiếp xúc.

Bệnh cúm có thể bùng phát vào bất kỳ mùa nào trong năm, đỉnh điểm là vào tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11. Song song đó, các triệu chứng như sổ mũi, đau nhức cơ thể cũng sẽ nặng nề hơn vào mùa lạnh do không khí ẩn chứa nhiều nguồn vi khuẩn khác. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trẻ em và người lớn nên chủ động dự phòng bằng vắc-xin, giữ ấm cơ thể và ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm để hạn chế khả năng bị bệnh.

Đối tượng nào dễ bị cúm?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như:

Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc-xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao. Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.

Trẻ em: Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa. Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan - thận… thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc-xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Người lớn >65 tuổi: Những người có bệnh nền mạn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch…

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm. Điều này khiến cơ thể mẹ bầu nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Tương tự, trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công.

Biến chứng bệnh cúm

Bệnh cúm có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường, do đó rất nhiều người chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị trễ khi bệnh chuyển nặng, có thể gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không được điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển nhiều bộ phận của cơ thể, do đó nếu người mẹ mắc cúm trong giai đoạn này sẽ có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu.

Biến chứng của bệnh cúm nguy hiểm nhất là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não), thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 - 16. Mặc dù đây là hội chứng rất hiếm gặp nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Biến chứng này có thể xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng cúm có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, mê sảng, co giật, chuyển sang hôn mê sâu rồi tử vong.

Trúc Ly (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.