Y tế - Sức khỏe

Cẩn thận với bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa

Thứ Hai, 08/05/2023 | 16:40

Thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển, cùng với việc giao lưu đi lại của người dân tăng cao sẽ là những điều kiện thuận lợi cho nguy cơ dịch bệnh gia tăng, bùng phát như: sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, tiêu chảy do vi-rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do vi-rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc các bệnh do thời tiết nóng ẩm.

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân.

Triệu chứng và cách đề phòng bệnh SXH

Ở khu vực phía Nam, bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa mưa từ tháng 5 - 11. Do chưa có vắc-xin nên cách phòng bệnh tốt nhất là diệt lăng quăng và sử dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như ngủ mùng, sử dụng nhang trừ muỗi hoặc kem thoa chống muỗi cho trẻ em.

SXH là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn Aedes Aegypti mang vi-rút Dengue gây ra. Các con muỗi cái mang mầm bệnh, sau khi đốt người sẽ khiến người nhiễm vi-rút bắt đầu phát bệnh với biểu hiện sốt cao liên tục, dưới da xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ sau 4 - 6 ngày.

Đối với các bệnh nhân SXH thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 - 7, người bệnh, đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong

Phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu bị SXH rất nguy hiểm. Bệnh có thể gây suy thai, đẻ non, thai chết lưu do sốt và mất nước dài ngày hoặc tổn thương chức năng gan, thận. Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có vắc-xin ngừa bệnh SXH và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân cần có các biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình như: Thường xuyên vệ sinh nơi ở, đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước tránh muỗi đẻ trứng. Ngủ bằng mùng kể cả ban ngày. Phối hợp với phường, xã để phun hóa chất phòng dịch. Ngay khi phát hiện mắc bệnh SXH, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị và theo dõi. Không được tự ý điều trị tại nhà.

Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng phác đồ. Ảnh minh họa: C.K

Những điều cần biết về bệnh tay chân miệng

Bên cạnh SXH thì tay chân miệng là bệnh thường bùng phát vào dịp hè, rất dễ lây lan từ người này sang người khác và có thể phát triển thành dịch. Các triệu chứng bệnh tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, giảm cảm giác ngon miệng, đau họng và mệt mỏi. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông trẻ. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh có thể sẽ diễn tiến rất nhanh và gây tử vong chỉ trong 24 giờ.

Hiện nay, tay chân miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện một số biện pháp như: Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước các bữa ăn, sau khi đi vệ sinh. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi-rút Varicella Zoster (VZV). Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với dịch tiết mũi họng của người mang bệnh qua con đường nói chuyện, ho, hắt hơi. Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp qua các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu bị thủy đậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hình thành, phát triển và sức khỏe của thai nhi.

Triệu chứng ban đầu của bệnh là nổi các mụn nước trên da và niêm mạc, sốt cao, suy nhược, mệt mỏi. Thủy đậu có tốc độ lây lan nhanh, truyền nhiễm trực tiếp từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời. Bệnh thủy đậu có thể khỏi hoàn toàn sau 1 - 2 tuần nếu được điều trị và chăm sóc kịp thời và đúng cách; còn nếu không được phát hiện, chữa trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, viêm phổi…

Bệnh thủy đậu chưa có thuốc đặc trị nhưng có thể phòng ngừa dễ dàng được bằng cách tiêm phòng. Vắc-xin ngừa thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, lịch tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ trên 13 tuổi và người lớn, lịch tiêm gồm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng.

Đối với phụ nữ trước khi mang thai, Bộ Y tế khuyến cáo, nên tiêm vắc-xin phòng thủy đậu trước khi mang thai tối thiểu là 1 tháng. Ngoài ra, người bị thủy đậu cần phải được cách ly cho đến khi các mụn nước khô hoàn toàn. Người bệnh nên ở trong phòng riêng, có cửa sổ, thoáng mát, có đủ ánh nắng mặt trời và nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trúc Ly (TH)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.