Y tế - Sức khỏe

Cảnh báo về bệnh béo phì ở trẻ em

Thứ Hai, 18/09/2017 | 17:00

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số lượng trẻ mắc bệnh béo phì (thừa cân) trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 5% và đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 3 - 10. Việc điều trị béo phì cho trẻ hoàn toàn không đơn giản. Đặc biệt, trẻ bệnh béo phì có chức năng tâm lý xã hội kém, giảm thành công trong học tập và thường không khỏe mạnh…

Ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh béo phì. Ảnh: Xuân Bách

Tham gia các hoạt động thể dục - thể thao, một trong những cách giúp trẻ em ngăn ngừa bệnh béo phì. Ảnh: L.D

Chị Phan Thị Linh (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) chia sẻ: “Con trai tôi 6 tuổi, nặng 42kg, tôi cứ nghĩ là con mình mập, tròn trịa. Đến khi đưa con đến bệnh viện để khám sức khỏe thì mới biết cháu mắc bệnh béo phì”.

Béo phì là hiện tượng cân nặng cao hơn mức cân nặng nên có tương ứng với chiều cao. Béo phì là sự tích tụ bất thường, quá mức khối mỡ tại mô mỡ và các tổ chức khác ảnh hưởng tới sức khỏe. Nguyên nhân được xác định dẫn đến chứng béo phì được xác định, ngoài bệnh tật (chiếm 10%) thì chủ yếu là do năng lượng ăn vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao. Đó có thể do di truyền (người béo phì có lượng leptin ít hơn người bình thường nên ăn nhiều hơn và ít protein đặc biệt nên ít đốt cháy năng lượng hơn), hoặc do môi trường. Môi trường có nhiều thức ăn năng lượng cao như nhiều chất béo, chất ngọt, ăn nhanh, ăn nhiều và ít hoạt động thể lực, xem tivi nhiều, nghiện vi tính, lười vận động… thì dễ béo phì hơn. Trẻ được nạp quá nhiều năng lượng calo vào cơ thể hơn lượng tiêu tốn. Ngoài ra, trẻ ăn quá nhiều để giải quyết các vấn đề cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm, lo lắng hay là quá vui vẻ... Khi trẻ mắc phải bệnh béo phì thường có những biểu hiện như: Khó ngủ dẫn đến đói và ăn rất nhiều, ngủ ngáy, cơ thể hay mỏi, đau lưng, đau khớp, cảm thấy thường xuyên nóng, phát ban trên da, cảm thấy mệt mỏi, hay buồn ngủ, ít nói, hay thèm ăn, số cân tăng nhanh, chân tay tê, thị lực giảm...

Trẻ mắc bệnh béo phì sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của cơ thể. Những phần xương chưa đủ sức để chịu tải trọng của thịt, nếu kéo dài sẽ dẫn tới tổn thương sụn, từ đó sinh ra chứng đầu gối lật vào trong hoặc ngoài cũng như chứng bàn chân bẹt. Không chỉ ảnh hưởng tới xương, bệnh béo phì ở trẻ em còn có thể dẫn tới việc suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và nhất là gây chứng khó thở. Đó là chưa nói tới các hậu quả về tâm lý trẻ bị béo phì lúc nhỏ thường kéo dài cho đến hết thời gian thiếu niên, có chức năng tâm lý xã hội kém, giảm thành công trong học tập và thường không khỏe mạnh. Trẻ còn gặp phải các nguy cơ về bệnh tim mạch như: Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì và rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan tới tăng tích lũy mỡ trong ổ bụng. Những rối loạn lipid máu, huyết áp và insulin máu ở trẻ em sẽ kéo dài đến thời kỳ thanh niên.

Ngoài ra, bệnh béo phì ở trẻ em có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng: Nhiễm mỡ gan, tăng men gan (transaminase huyết thanh), bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân và nghẽn thở khi ngủ và bệnh giả u não. Đánh giá béo phì sớm và đơn giản nhất là theo dõi biểu đồ tăng trưởng và chỉ số cân nặng theo chiều cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi. Các bác sĩ khuyến cáo nên cân và đo chiều cao trẻ hàng tháng khi trẻ dưới 12 tháng tuổi, mỗi 2 tháng khi trẻ 12 - 24 tháng tuổi. Trẻ tăng cân nhanh và cân nặng vượt quá đường cao nhất của biểu đồ thì có nguy cơ béo phì.

Mục tiêu điều trị béo phì của trẻ không phải chỉ là giảm cân. Trái lại, nếu giảm cân không đúng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Tùy theo tình trạng sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có những mục tiêu điều trị khác nhau. Quan trọng nhất là thay đổi hành vi về ăn uống và tăng cường lối sống năng động, tiếp theo đó là điều trị những biến chứng (nếu có) và sau cùng mới là giảm cân. Tốc độ giảm cân thích hợp là khoảng 0,5kg mỗi tháng. Tùy từng trường hợp sẽ có những mức độ và mục tiêu giảm số lượng cân nặng khác nhau.

Nguyên Minh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.