Y tế - Sức khỏe

Triển khai tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều

Thứ Hai, 09/12/2019 | 15:33

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vừa tổ chức tập huấn tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều và hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng theo Quyết định số 247 của Bộ Y tế. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để đội ngũ y tế tỉnh nhà triển khai tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều có hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu. Ảnh minh họa: C.K

Trong giai đoạn 2004 - 2010, trên toàn quốc ghi nhận 173 trường hợp mắc bệnh bạch hầu với số mắc trung bình hàng năm khoảng 25 trường hợp; trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2011 - 2018, ghi nhận 110 trường hợp với số mắc trung bình hàng năm là 14 ca, giảm so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, kết quả giám sát hàng năm cho thấy, các ổ dịch bạch hầu vẫn liên tục xảy ra ở các địa phương trong giai đoạn 2014 - 2018. Trong 5 năm, từ 2014 - 2018, hàng năm nước ta đều ghi nhận trường hợp tử vong do căn bệnh này. Phân tích tình hình mắc bệnh cho thấy, nhóm trẻ lớn từ 5 - 14 tuổi chiếm đa số ca mắc bệnh (70,5%). Trong khi đó, nhóm trẻ dưới 5 tuổi chỉ chiếm 4,8%. Trong khi đó, hiện nay vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm từ 5 - 14 tuổi chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trên toàn quốc tiếp tục duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh đã đạt được từ năm 2005, tuy nhiên trong các năm trở lại đây ca bệnh uốn ván sơ sinh xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương. Trong 3 năm, từ 2015 - 2017, trên toàn quốc ghi nhận 126 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh, trong đó có 61 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tiêm vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai trên toàn quốc đạt trên 90% từ năm 2015 đến nay. Đồng thời ghi nhận số mắc/chết do uốn ván sơ sinh năm 2017 (51/27ca) tăng 1,8 lần so với năm 2016 (31/17ca). Tình hình trên cho thấy, sau khi ngừng tiêm vắc-xin uốn ván cho đối tượng nữ tuổi sinh đẻ từ năm 2018 thì cần thực hiện triển khai tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván cho trẻ lớn trước khi bước vào độ tuổi sinh đẻ.

Tại Việt Nam, vắc-xin phòng bệnh bạch hầu được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Lịch tiêm 3 mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu được áp dụng cho trẻ từ 2 - 4 tháng tuổi cho đến năm 2010. Tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin DPT3 (bạch hầu - ho gà - uốn ván) đạt trên 90% từ năm 1990 và liên tục duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua. Từ năm 2011, lịch tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 (DPT4) được triển khai cho trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi và duy trì tỷ lệ trên 90% trong các năm gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam mới triển khai lịch tiêm 3 mũi vắc-xin DPT3 cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi, chứ chưa có chương trình tiêm vắc-xin bổ sung cho nhóm trẻ lớn.

Trong các năm từ 2014 - 2017, được sự đồng ý của Bộ Y tế, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước để mua vắc-xin đáp ứng phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương với số kinh phí trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm. Thực tế cho thấy, việc triển khai theo hình thức phòng chống dịch bệnh vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng bệnh bạch hầu tái diễn. Bên cạnh đó, cũng chưa triển khai vắc-xin uốn ván - bạch hầu trên phạm vi rộng để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho nhóm trẻ lớn. Do vậy, trong thời gian tới ngành Y tế sẽ triển khai vắc-xin uốn ván và bạch hầu giảm liều trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm nhắc cho trẻ 7 tuổi. Qua đó sẽ giúp củng cố miễn dịch của trẻ để phòng chống những bệnh này.

Chanh Ty

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.