Giáo dục - Học Đường
Hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp học mầm non huyện Hòa Bình, năm học 2022 - 2023: Góp phần thực hiện đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ
Phòng GD-ĐT huyện Hòa Bình vừa tổ chức hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp học mầm non năm học 2022 - 2023 với sự tham gia của 60 thí sinh là giáo viên đang trực tiếp đứng lớp của các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn huyện. Hội thi nhằm tạo động lực cho đội ngũ giáo viên phấn đấu hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.
Thí sinh trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại hội thi.
Tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục
Ông Trương Đồng Ba - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Bình, cho biết: “Hội thi nhằm phát hiện, công nhận, tôn vinh những giáo viên dạy giỏi và nhân rộng các điển hình tiên tiến; góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội trong việc tham gia giáo dục trẻ em, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương và của toàn ngành. Bên cạnh đó, hội thi còn giúp nâng cao hiệu quả công tác sinh hoạt tổ chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua trong các trường mầm non. Đặc biệt là khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên mầm non tự học, rèn luyện, sáng tạo trong công tác giáo dục, thực hiện đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non”.
Hội thi được tổ chức từ ngày 29/11 - 10/12/2022 với 2 phần thi, gồm: phần thứ nhất là trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cá nhân giáo viên dự thi tại trường mầm non, nơi giáo viên đang làm việc. Biện pháp được lãnh đạo trường mầm non xác nhận được áp dụng có hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó. Phần thứ hai là thực hành tổ chức một hoạt động giáo dục cụ thể theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra hội thi.
Phần thi thứ nhất diễn ra theo hình thức thi tập trung, các thí sinh trình bày biện pháp theo phương pháp thuyết trình với thời gian không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi với giáo viên; giám khảo trao đổi, đánh giá và thống nhất mức đạt hoặc chưa đạt.
Yêu cầu đối với phần thi này là thí sinh phải nêu rõ được biện pháp có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và giáo dục, phù hợp với đối tượng trẻ em và thực tiễn nhà trường, địa phương trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cá nhân giáo viên tại nơi đang làm việc. Biện pháp dự thi phải được nhà trường, đồng nghiệp ghi nhận và có minh chứng về sự tiến bộ của trẻ em khi áp dụng.
Theo ghi nhận, phần thi này nếu so với việc viết sáng kiến kinh nghiệm như các hội thi trước đây thì việc trực tiếp trình bày trước Ban Giám khảo có “gây thêm áp lực về tâm lý” cho thí sinh, nhưng bù lại, cách thi mới này thể hiện được sự nhiệt huyết của giáo viên đối với những công việc làm hàng ngày ở lớp, ở đơn vị. Vì qua cách trình bày, qua công tác “chất vấn” của Ban Giám khảo và cách trả lời câu hỏi của thí sinh, có thể nhận biết thí sinh đó có thật sự thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ hay không.
Đây cũng là phần thi cho thấy sự chuẩn bị công phu, trách nhiệm, tâm huyết với nghề của các thí sinh vì tất cả các nội dung trình bày đều có video clip minh họa với nhiều hình ảnh sinh động. Theo đánh giá, phần thi trực tiếp trình bày biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đã có nhiều biện pháp thiết thực nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được các thí sinh trình bày rất mạch lạc; nhiều thí sinh đã làm chủ được công nghệ thông tin khi phần trình bày có trình chiếu, minh họa ảnh, video clip thực tế lớp học, trường học đang công tác, liên quan đến chủ đề trình bày của mình…
Trẻ hào hứng tham gia các hoạt động giáo dục trong phần thi thực hành của các thí sinh. Ảnh: Kim Hồng
Sôi nổi phần thi thực hành
Đối với phần thi thực hành tổ chức hoạt động giáo dục, Ban Tổ chức lựa chọn đề tài theo kế hoạch giáo dục của giáo viên tại thời điểm diễn ra hội thi. Phần thi này được Ban Giám khảo trực tiếp chấm tại lớp học, nơi thí sinh đang công tác. Giáo viên dự thi được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục không quá 2 ngày trước thời điểm thi chính thức.
Yêu cầu của Ban Tổ chức là hoạt động giáo dục tham gia hội thi của thí sinh phải là hoạt động được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng trẻ em của nhóm, lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục tham gia hội thi trong năm học tổ chức hội thi.
Theo đó, trong các giờ thi thực hành, các thí sinh đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho trẻ qua các hoạt động sôi nổi. Nhìn chung, phần thi này được các thí sinh chuẩn bị rất công phu, từ nội dung cho đến hình thức. Tất cả đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ… liên quan đến nội dung của các hoạt động giáo dục đều được chuẩn bị chu tất, minh họa sinh động, phù hợp với từng lứa tuổi nên thu hút được sự “cộng tác” của trẻ đối với giáo viên đứng lớp. Từ đó khuyến khích trẻ hăng hái tham gia các hoạt động, tích cực tương tác với giáo viên, với bạn học…
Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức, sự công tâm, khách quan của Ban Giám khảo và sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thí sinh, hội thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp học mầm non vòng huyện, năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục huyện Hòa Bình đã diễn ra thành công. Từ điểm số của các phần thi cho thấy, đa số thí sinh đều hoàn thành xuất sắc các phần thi của mình. Qua đó, góp thêm kinh nghiệm cho các thí sinh nói riêng, đội ngũ giáo viên mầm non của huyện trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được tốt hơn trong thời gian tới.
Châu Khánh
- Mưa lớn kéo dài, toàn TP. Bạc Liêu bị ngập
- Từ ngày 1/12/2024, điều chỉnh diện tích, dân số Phường 3 và Phường 8 (TP. Bạc Liêu)
- Ký kết cho nông dân vay tín chấp trồng lúa đến 100 triệu đồng
- Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng điểm cơ sở tại huyện Phước Long
- TP. Bạc Liêu: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn