Tin tức

Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Bảy, 15/02/2025 | 16:22

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chính sách phải ưu đãi vượt trội để tháo gỡ, giúp những việc lớn chuyển động sẽ tác động đến các hoạt động khác thay đổi theo. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công với hạ tầng số phát triển tiên tiến, công nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tăng trường kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo.

Cũng trong buổi sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tham gia thảo luận tại tổ 6 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hà Giang, Bình Định), các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu cũng bày tỏ hy vọng, sau khi được Quốc hội thông qua, việc thực hiện Nghị quyết sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030. 

* Nói về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phân tích, chỉ mỗi Chat GPT cũng đã tạo nên một cơn địa chấn trong cách mà con người đang sống, làm việc, học tập, nghiên cứu. Đây là một công cụ hỗ trợ vượt trội, Chat GPT đang làm thay đổi trật tự của nhiều thứ đã được vận hành ổn định hàng trăm năm nay. Công cụ này được gọi nôm na là “trợ lý ảo” của mỗi cá nhân. Có thể thấy, việc tương tác với trợ lý ảo, khai thác thông tin và tiềm năng hỗ trợ trong thời đại hiện nay là rất cần thiết với mọi người, mọi lĩnh vực, kể cả phục vụ cho các hoạt động của ĐBQH. Ví dụ, chỉ với một vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, đã có ngay một trợ lý ảo sẵn sàng hỗ trợ chúng ta để tìm kiếm thông tin, tham khảo thông tin… Tuy nhiên, đó là công cụ tìm kiếm chung của nước ngoài, ai cũng có thể sử dụng và độ chính xác chỉ tương đối.

Đại biểu kiến nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, xin chủ trương ở cấp có thẩm quyền, xây dựng một công cụ “trợ lý ảo” kiểu như Chat GPT dành riêng cho ĐBQH Việt Nam. Điều này dĩ nhiên đòi hỏi một số bước cụ thể, từ khâu kỹ thuật đến cơ sở pháp lý và ứng dụng thực tế. Nếu được như thế, vai trò của trợ lý ảo của ĐBQH sẽ gồm một số việc cụ thể như cung cấp thông tin pháp lý, chính sách, nghị quyết; hỗ trợ tra cứu số liệu, dữ liệu; gợi ý ý tưởng để chuẩn bị nội dung phát biểu; tương tác với cử tri thông qua kênh kỹ thuật số; học tập, nâng cao khả năng làm việc… sẽ giúp ích rất nhiều cho các ĐBQH.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu thảo luận ngày 15/2.

* Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, đại biểu góp ý với một số vấn đề. Đó là chưa thấy có điều khoản ưu tiên để phân bổ kinh phí và giao nhiệm vụ về các trường đại học tham gia nghiên cứu (hiện tại mức chi rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cũng như mức trung bình trên thế giới). Do đó, đại biểu đề xuất tăng chi ngân sách cho nghiên cứu trên lĩnh vực khoa học, công nghệ, và phải có tỷ lệ hợp lý trong việc chi nghiên cứu tại các trường đại học.

Về cơ chế quản lý tài chính, đại biểu thống nhất với đề xuất, cần có cơ chế quản lý sinh hoạt, cần tập trung vào kết quả và hiệu quả của dự án khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, trong quyền tự chủ của tổ chức khoa học, công nghệ khi được giao khoán chi cần làm rõ nội hàm “được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm” đến mức độ nào, trách nhiệm đến đâu. Đại biểu cũng thống nhất cao với quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự khi gặp rủi ro trong quá trình nghiên cứu, khi các nhà khoa học cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Nhưng cũng phải có cơ chế giám sát, kiểm tra tránh lãng phí và không để sai phạm, trục lợi. Ngoài ra, trong việc lựa chọn đề tài khoa học, công nghệ hàng năm, cần được công khai minh bạch, rõ ràng để các đơn vị có năng lực được giam gia nghiên cứu, góp phần cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ đáp ứng sự phát triển của đất nước.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu thảo luận ngày 15/2.

Tin, ảnh: Kim Phượng - Thanh Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.