Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
TÁC ĐỘNG CỦA NGHỊ QUYẾT 57 ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 57) là một cột mốc quan trọng, mở ra hướng đi mới cho sự phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, trong đó có Bạc Liêu. Đây không chỉ là định hướng chiến lược, mà còn là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và nâng cao vị thế quốc gia, cũng như của tỉnh nhà trong bối cảnh thế giới ngày càng dựa vào KH-CN và chuyển đổi số.
Cơ hội đột phá phát triển kinh tế - xã hội
Có thể thấy, sau khi được ban hành, Nghị quyết 57 đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, khơi dậy niềm khát khao, ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Nếu năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc thì ngày nay, Nghị quyết 57 chính là lời kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tổ chức doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc cách mạng phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì đây đang là yếu tố quyết định cho sự phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong thời gian qua, hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, qua đó đã đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, Bạc Liêu là tỉnh còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế nhỏ, nguồn nhân lực về KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn thiếu và yếu, nên lĩnh vực này còn nhiều khó khăn và hạn chế, chưa đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà trong thời gian qua.
Nghị quyết 57 ra đời là cơ hội để Bạc Liêu có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, chúng ta phải tận dụng, tổ chức thực hiện ngay 5 điểm đột phá của Nghị quyết 57, đó là: (1) Đảng ta đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao; (2) Tăng đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (3) Đột phá về tư duy trong quản lý đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D; (4) Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; (5) Tính khả thi trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 57.
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Ảnh minh họa: Internet
Những tác động tích cực với Bạc Liêu
Trở lại vấn đề về sự tác động của Nghị quyết 57 đối với Bạc Liêu. Từ góc độ quản lý nhà nước, có thể nhìn nhận những tác động rất tích cực để đẩy mạnh phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới.
Thứ nhất, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường đầu tư công nghệ: Nghị quyết tạo điều kiện, yêu cầu bắt buộc để tỉnh đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, từ đó xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ở mọi cấp.
Thứ hai, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh tế: Với sự hỗ trợ của Nghị quyết, các doanh nghiệp địa phương có thêm cơ hội tiếp cận các chính sách ưu đãi và nguồn vốn nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh mang lại giá trị thiết thực.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của con người trong chuyển đổi số. Đây là điều kiện để tỉnh triển khai nhiều chương trình đào tạo nhân lực nhằm nâng cao kỹ năng số và khuyến khích sự sáng tạo trong các lĩnh vực KH-CN.
Thứ tư, tăng cường năng lực quản trị và hiệu quả quản lý nhà nước: Nghị quyết yêu cầu chính quyền các tỉnh phải áp dụng các công cụ, các nền tảng số hóa vào quản lý, qua đó tăng tính minh bạch, giảm chi phí vận hành và nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân.
Thứ năm, gắn kết địa phương với mạng lưới phát triển quốc gia: Việc đầu tư hạ tầng số, hạ tầng thông tin, ứng dụng số vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, giúp cho tỉnh nhà hòa nhập với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, kết nối với các hệ thống thông tin quốc gia, quốc tế…từ đó, giúp các địa phương có thêm cơ hội tiếp cận, tận dụng tối đa nguồn lực và cơ hội, kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Thứ sáu, tạo động lực cho sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các bên có liên quan: Nghị quyết 57 đóng vai trò như một chất xúc tác, thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, và cộng đồng. Việc hợp tác, gắn kết này giúp tối ưu hóa nguồn lực, chia sẻ kiến thức, tăng cường hiệu quả thực hiện các sáng kiến về chuyển đổi số và công nghệ, từ đó thúc đẩy phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Thứ bảy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo: Một trong những tác động quan trọng của Nghị quyết là tạo môi trường thuận lợi cho các startup và cá nhân có khát vọng đổi mới. Các chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế và thủ tục hành chính đã giảm bớt rào cản, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Thứ tám, giải quyết các thách thức trong chuyển đổi số tại địa phương hiện nay: Nghị quyết cũng giúp các tỉnh/thành phố nhận diện rõ những thách thức cụ thể như sự thiếu hụt nguồn nhân lực số, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và khoảng cách số giữa các vùng miền. Từ đó, xây dựng các kế hoạch hành động một cách bài bản và phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Thứ chín, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Việc áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước mà còn giúp tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh trong việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, mở rộng thị trường, giúp tăng tính cạnh tranh.
Thứ mười, tạo ra tác động tích cực lên đời sống người dân: Thông qua việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến tiện lợi hơn đến việc học tập và làm việc, kinh doanh trong môi trường số, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất và đây cũng là mục tiêu tối thượng của Nghị quyết 57 đề ra.
Nghị quyết 57 không chỉ là tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, mà còn là bàn đạp để các tỉnh/thành phố trong cả nước vươn lên trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0; tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá để giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực, thúc đẩy phát triển KH-CN và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các cơ hội mà Nghị quyết 57 mang lại, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa các doanh nghiệp, và cộng đồng dân cư là yếu tố mang tính quyết định.
Xin trích dẫn câu nói của Tổng Bí thư Tô Lâm để thay cho lời kết “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn”.
Bùi Thanh Toàn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
- Cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất - kinh doanh
- Hiểu đúng về nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu
- Thủ tướng yêu cầu tăng cường thực hiện giải pháp giảm lãi suất
- Thay đổi giấy tờ sau khi sáp nhập đơn vị hành chính sẽ không phải chịu phí
- Nhiều cây xanh bị "bức tử": Ai chịu trách nhiệm?