Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Bước tiến quan trọng về chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ Tư, 22/02/2017 | 16:36

Liên tiếp hai nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đã ban hành hai nghị quyết (NQ) quan trọng trên lĩnh vực xây dựng Đảng, đó là NQ Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và NQ Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Có ý kiến cho rằng, đã có NQ Trung ương 4 (khóa XII) thay thế nên không cần thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI) nữa. Để hiểu rõ vấn đề này, cần phân tích kỹ chủ trương của Đảng và mối quan hệ giữa hai NQ quan trọng trên.

Cán bộ chủ chốt các ban, ngành huyện Vĩnh Lợi tham gia học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: X.T

Tại Đại hội XII, Đảng ta đánh giá: 4 năm triển khai thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI), mặc dù “đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng”, tuy nhiên, “một số việc chưa đạt mục tiêu NQ đề ra”. Từ đó, Đảng ra chủ trương: “Những năm tới, yêu cầu nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện NQ Trung 4 (khóa XI)”. Như vậy, NQ Trung ương 4 (khóa XII) là NQ cụ thể hóa chủ trương trên của Đảng, hay có thể nói đây là NQ chuyên sâu để tiếp tục thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI), nhằm phát huy những kết quả bước đầu quan trọng, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, để phấn đấu đạt được mục tiêu NQ Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra là: “Phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng… củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân…”.

Tuy nhiên, NQ Trung ương 4 (khóa XII) không phải là “bản sao” hay sự “tiếp nối” đơn giản NQ Trung ương 4 (khóa XI), mà là sự cụ thể hóa quan trọng, có chiều sâu, có bổ sung những nội dung mới, với quyết tâm chính trị cao hơn, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, NQ Trung ương 4 (khóa XII) chỉ tập trung vào một trong ba vấn đề cấp bách mà NQ Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra, đó là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. Không phải ngẫu nhiên mà Trung ương chọn vấn đề này. Đây là vấn đề cấp bách thứ nhất có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa quyết định đối với hai vấn đề cấp bách còn lại là công tác cán bộ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được ngăn chặn, đẩy lùi, thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý sẽ thuận lợi và nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ được thực hiện nghiêm túc trong từng cơ quan, đơn vị ở các cấp.

Thứ hai, ngoài việc xác định mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, NQ Trung ương 4 (khóa XII) được bổ sung thêm mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là “cấp độ” cao hơn, là hệ quả tất yếu của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. NQ nêu rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Điều này thể hiện nhận thức đầy đủ hơn, thẳng thắn hơn của Trung ương Đảng về thực trạng của vấn đề cấp bách này, và về mối quan hệ nguy hiểm giữa suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ ba, so với NQ Trung ương 4 (khóa XI), NQ Trung ương 4 (khóa XII) có một nội dung mới rất quan trọng, đó là NQ đã chỉ rõ 27 biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây chính là “tấm gương”, là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa mình và để góp ý, phê bình đồng chí mình, đồng thời là căn cứ để cấp trên, tổ chức và cơ quan chức năng phát hiện, chỉ rõ ai là cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đó có hình thức nhắc nhở, giáo dục hoặc xử lý kỷ luật nghiêm minh theo các quy định của Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, nếu NQ Trung ương 4 (khóa XI) chỉ xác định phương châm thì đến NQ Trung ương 4 (khóa XII), Trung ương nâng lên thành quan điểm nhằm khẳng định quyết tâm và thể hiện rõ hơn quan điểm chỉ đạo của Đảng. Một điểm mới đáng chú ý là Đảng ta xác định: “Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Như vậy, nếu so với phương châm “kết hợp chống và xây, xây và chống” của NQ Trung ương 4 (khóa XI), thì quan điểm này cụ thể hơn, rõ hơn, dễ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

Thứ năm, NQ Trung ương 4 (khóa XII) cũng đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, nhưng có nhiều điểm điều chỉnh, bổ sung mới. Cụ thể là thay hai nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên và về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng bằng hai nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; đưa nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình lên hàng đầu, đồng thời bổ sung thêm nội dung xây dựng Đảng về đạo đức với những chỉ đạo rất cụ thể. Như vậy, mặc dù Đảng ta vẫn coi trọng công tác tư tưởng chính trị, giáo dục, thuyết phục, nhưng rõ ràng các giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm minh cán bộ, đảng viên vi phạm đã được tăng cường nhiều hơn, điều này thể hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của Đảng ta.

Có thể nói, từ NQ Trung ương 4 (khóa XI) đến NQ Trung ương 4 (khóa XII) là một bước tiến quan trọng của Đảng ta về chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng. NQ Trung ương 4 (khóa XII) là sự bổ sung, phát triển quan trọng của NQ Trung ương 4 (khóa XI), nhằm cụ thể hóa, trọng tâm hóa để tạo chuyển biến trong việc tiếp tục thực hiện NQ Trung ương 4 (khóa XI). Việc nhận thức đúng đắn mối quan hệ đặc biệt, hiếm thấy giữa hai NQ quan trọng này của Đảng là cần thiết, nhất là đối với các cấp ủy, để trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo được tính toàn diện và trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nguyễn Bình Tân (Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.