Khoa học - Công nghệ
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu - Huỳnh Minh Hoàng: Tập trung phát triển nguồn nhân lực và đầu tư tài chính cho phát triển khoa học - công nghệ
Dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) đang được nghiên cứu, sửa đổi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Trong đó, tập trung nhiều vấn đề để khoa học và công nghệ (KH-CN) phát huy vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Để đóng góp cho những vấn đề trên, với tư cách là Giám đốc Sở KH-CN Bạc Liêu - Tiến sĩ (TS) Huỳnh Minh Hoàng cho biết:
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất hiện đại. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ - Hoàng Trung Hải (người thứ nhất từ phải sang) tham quan dây chuyền sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú. |
Để đóng góp cho dự thảo Luật KH-CN (sửa đổi), tôi sẽ tập trung vào 2 vấn đề then chốt trong số các nguồn lực KH-CN, đó là nhân lực và tài chính cho KH-CN. Bởi đây là hai nhân tố đóng vai trò quyết định cho sự phát triển KH-CN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Trước hết, về nhân lực KH-CN: So với nhu cầu phát triển, nguồn nhân lực KH-CN hiện nay còn bất cập: cơ cấu đội ngũ cán bộ KH-CN theo độ tuổi và theo trình độ chưa phù hợp; sự phân bố nhân lực KH-CN có sự chênh lệch quá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là cán bộ có trình độ cao, dẫn đến hoạt động KH-CN địa phương gặp nhiều khó khăn (gần 90% tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM); cơ cấu giữa các ngành, các lĩnh vực chưa hợp lý; chưa có sự tập trung đối với một số lĩnh vực KH-CN ưu tiên; các cơ sở đào tạo chuyên ngành KH-CN nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch đồng bộ; chính sách phát triển nguồn lực KH-CN chưa phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội; chưa tạo môi trường và động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ KH-CN đem hết tài năng cống hiến cho đất nước. Chính vì vậy, theo tôi, Luật KH-CN (sửa đổi) cần quy định cụ thể xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực KH-CN phải gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương và từng thời kỳ; quy hoạch nhân lực KH-CN phải có tính khả thi cao, phù hợp và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Thứ hai, về tài chính cho KH-CN. Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý tài chính KH-CN là một trong những nội dung chủ yếu trong cơ chế quản lý KH-CN và cần phải được đổi mới cơ bản và toàn diện cho đồng bộ nhằm tạo điều kiện và cởi trói cho KH-CN phát triển. Do đó, theo tôi, dự thảo Luật KH-CN lần này cần bổ sung quy định cụ thể là Bộ KH-CN phải được tham gia đầy đủ và toàn diện vào quá trình thẩm định nội dung và yêu cầu về KH-CN đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển KH-CN của các bộ, ngành và địa phương, tổng hợp và đề xuất để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch trình Chính phủ, đồng thời Bộ KH-CN được quyền quản lý và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc sử dụng có hiệu quả phần kinh phí này.
May giày công nghiệp tại Công ty An Lạc (huyện Giá Rai). Ảnh: Lâm Hỷ |
PV: Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang loay hoay với việc sử dụng kinh phí trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp cho Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, địa phương. Theo ông, cần có giải pháp gì để giải quyết khó khăn này?
TS Huỳnh Minh Hoàng: Để giải quyết được vấn đề nhiều địa phương, doanh nghiệp đang loay hoay với việc sử dụng kinh phí trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp cho Quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp, địa phương, theo tôi cần tư vấn cho doanh nghiệp, địa phương xác định rõ Quỹ phát triển KH-CN chủ yếu dùng để tài trợ cho việc thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là các khoản vay đầu tư vào trang thiết bị, vật tư, máy móc… phục vụ sản xuất. Đồng thời, ưu tiên khuyến khích hỗ trợ kinh phí tối đa 30% cho các doanh nghiệp, công ty trích 10% lợi nhuận trước thuế theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đầu tư vào hoạt động KH-CN. Cùng với đó, hoàn thiện áp dụng cơ chế thông thoáng, phù hợp để nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư, nguồn ngân sách Nhà nước, thu hút các thành phần xã hội tham gia hoạt động KH-CN.
PV: Gần đây chúng ta đã nói nhiều đến việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Vậy theo nhận định của ông, việc đổi mới này sẽ đem lại những thuận lợi gì đối với những cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ KH-CN?
TS Huỳnh Minh Hoàng: Sở KH-CN Bạc Liêu đã thử nghiệm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng từ năm 1998 - 2000. Qua việc thực hiện cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong KH-CN cho thấy, cơ chế này rất phù hợp với đặc thù hoạt động KH-CN, góp phần khắc phục những vấn nạn hóa đơn, chứng từ giả; cùng với đó là giảm việc các nhà khoa học phải mất nhiều thời gian cho những hoạt động không phải là nghiên cứu khoa học; đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, nhằm đưa ra các kết quả áp dụng kịp thời. Mặt khác, dần xóa bỏ cơ chế xin - cho, cơ chế tài chính hành chính cứng nhắc, máy móc không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN.
PV: Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển và đóng góp của KH-CN trong tiến trình CNH-HĐH đất nước là vướng mắc về thủ tục tài chính trong quá trình triển khai đề tài nghiên cứu. Vấn đề này, Sở KH-CN Bạc Liêu giải quyết như thế nào?
TS Huỳnh Minh Hoàng: Về nguyên tắc chung vẫn áp dụng cơ chế hiện hành, tổ chức Hội đồng khoa học tư vấn, xác định danh mục, nhiệm vụ KH-CN; tổ chức thẩm định kinh phí cho từng nhiệm vụ. Đồng thời, bổ sung quy định ngoại lệ đối với nhiệm vụ KH-CN cho phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN như sau: Điều chỉnh mức chi cho phù hợp với thực tế và biến động về giá cả; đơn giản hóa tối đa hồ sơ, chứng từ và thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN; tiến tới xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho các đề tài, dự án dần dần thực hiện cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp nào để khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ?
TS Huỳnh Minh Hoàng: Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế quốc dân và công nghệ tạo nên sức sống cho tế bào đó. Đổi mới công nghệ của doanh nghiệp không chỉ tăng cường sức sống cho doanh nghiệp mà còn tăng cường sức mạnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân. Cũng chính vì lý do đó, nền KH-CN quốc gia phải định hướng mà hỗ trợ và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp. Cụ thể: Một là, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận và tiếp thu cũng như sử dụng sáng tạo các công nghệ mới có hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Hai là, tư vấn cho doanh nghiệp tìm hiểu về năng lực, nhu cầu công nghệ, đánh giá và thẩm định công nghệ phục vụ sản xuất - kinh doanh của đơn vị mình. Ba là, khuyến khích doanh nghiệp trong việc áp dụng, thích nghi, tiếp thu và phát huy sáng tạo các công nghệ trong sản xuất và đời sống.
PV: Xin cám ơn ông!
TÚ ANH (thực hiện)
- UBND tỉnh: Kiểm tra việc thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Phước Long
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL