Nông Nghiệp - Nông Dân - Nông Thôn
Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A: Nhiều lợi ích cho sản xuất và đời sống người dân
Những năm gần đây, việc thiếu nước ngọt để pha loãng độ mặn nuôi tôm vào mùa khô diễn ra ngày càng gay gắt. Do đó, tỉnh rất cần có công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) vùng phía Nam Quốc lộ 1A. Công trình này không chỉ cấp nước ngọt phục vụ nuôi tôm mà còn phục vụ cho vùng sản xuất lúa - tôm và kết hợp ngăn triều cường hiệu quả.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Bạc Liêu tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX 30/4 (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ
THỰC TRẠNG VÙNG PHÍA NAM QUỐC LỘ 1A
Vùng phía Nam Quốc lộ 1A có diện tích tự nhiên khoảng 109.720ha, bao gồm 4.000ha rừng phòng hộ ngoài đê. Sản xuất trong vùng theo hệ sinh thái mặn, hiện chưa có công trình cấp nguồn nước ngọt cho vùng này trong mùa khô, nguồn nước ngọt từ sông Hậu không thể cấp trực tiếp được cho vùng mà nước ngọt chủ yếu là trong mùa mưa. Hiện có hơn 64.000ha nuôi thủy sản mặn lợ đang thiếu nguồn nước ngọt bổ sung, cải thiện chất lượng môi trường nước.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, từ tháng 12 hàng năm đến tháng 6 năm sau, vùng phía Nam Quốc lộ 1A thiếu từ 473 - 546 triệu mét khối nước ngọt. Việc thiếu nguồn nước ngọt trong mùa khô làm ảnh hưởng đến NTTS trong khu vực, ô nhiễm nguồn nước ao nuôi, dịch bệnh xuất hiện…
Thiếu nước ngọt trong mùa khô còn dẫn đến tình trạng người dân khoan giếng hút nước ngầm pha loãng nước mặn để nuôi tôm. Từ đó, dẫn đến năng suất và sản lượng sản phẩm, số vụ nuôi bị giảm sút khá nhiều, đặc biệt là những năm gần đây hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu gây ra. Vào mùa khô, tình trạng nắng nóng kéo dài làm độ mặn trong ao nuôi tăng vượt quá 35‰, không có nguồn nước ngọt bổ sung. Ông Đặng Minh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX 30/4 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), chia sẻ: “Mùa khô độ mặn lên 35‰, thời điểm nắng nóng gay gắt độ mặn lên đến gần 40‰. Trong khi đó, không có nước ngọt để pha loãng độ mặn, hầu hết các hộ dân phải sử dụng nguồn nước ngầm để bơm pha loãng nước mặn nuôi tôm”.
Việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức đã làm cho tình trạng mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến sụt lún đất nền tự nhiên bình quân 1 - 2cm/năm. Từ đó, mỗi khi triều cường lên cao, diện tích ngập úng ngày một lớn hơn, làm tràn các bờ bao, ngập cơ sở hạ tầng, các khu đô thị, các khu sản xuất và tràn qua Quốc lộ 1A ở một số đoạn, đe dọa tiểu vùng sản xuất lúa ổn định thuộc phía Bắc Quốc lộ 1A.
Nông dân xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) bơm nước ngầm pha loãng độ mặn để nuôi tôm vào mùa khô.
LỢI ÍCH CỦA CÔNG TRÌNH TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Hiện nay, Dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng. Đây là dự án rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Vùng hưởng lợi của dự án gồm: Một phần diện tích TP. Bạc Liêu, các huyện: Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Đông Hải và TX. Giá Rai với tổng diện tích hơn 63.000ha, trong đó hơn 43.000ha NTTS. Các giải pháp công trình được đưa ra là chuyển nước tự chảy kết hợp bơm + khép kín vùng dự án bằng các cống kiểm soát triều.
Mục đích của dự án là chuyển nước ngọt từ vùng Bắc Quốc lộ 1A về vùng hưởng lợi Nam Quốc lộ 1A nhằm pha loãng nguồn nước đảm bảo phục vụ NTTS cho diện tích 46.300ha; hỗ trợ rửa mặn trước thời điểm gieo sạ phục vụ canh tác lúa cho vùng chuyển đổi mô hình lúa - tôm vùng ven kênh Cà Mau - Bạc Liêu, định hướng khoảng 15.000ha; tăng cường khả năng trao đổi nguồn nước, chủ động tháo nước ô nhiễm, cấp nguồn nước biển có chất lượng tốt góp phần giảm ô nhiễm môi trường nước trong hệ thống sông, kênh cho NTTS vùng dự án; kết hợp chống ngập úng, bảo vệ cơ sở hạ tầng trước tác động tiêu cực của tự nhiên, giảm khai thác nước ngầm, lún sụt đất, nước biển dâng; hỗ trợ tiêu nước giảm ngập úng cho vùng Bắc Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Bạc Liêu với diện tích khoảng 42.000ha.
Nói về Dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều khẳng định, công trình sau khi đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ cùng với các công trình hiện có của Bạc Liêu và Sóc Trăng như hệ thống phân ranh mặn - ngọt, các công trình đê biển Đông, cống Âu thuyền Ninh Quới và các công trình thủy lợi khác sẽ giúp cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện kiểm soát mặn theo thời gian và cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất theo yêu cầu của vùng Nam Quốc lộ 1A…
MINH ĐẠT
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Tuy nhiên, muốn làm được thì phải có hạ tầng thủy lợi tốt. Thời gian qua, Bộ đã đầu tư nhiều dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh như: Âu thuyền Ninh Quới, Cảng cá Gành Hào, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Trong đó, dự án Âu thuyền Ninh Quới đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn mặn, giữ ngọt. Với Dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ NTTS vùng phía Nam Quốc lộ 1A sắp triển khai sẽ giúp cho tỉnh Bạc Liêu chủ động được nguồn nước cho sản xuất của cả 2 vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A.
- Thăm và tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Phước Long
- Chiếu phim lịch sử mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân
- Hội đồng thẩm định Trung ương: Thống nhất đề nghị Thủ tướng công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024
- Hải đoàn 42: Tổng kết 10 năm thực hiện việc học tập và làm theo Bác