Thủ tướng chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL

Thứ Tư, 16/10/2024 | 08:36

Chiều 15/10, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC), phát thải thấp (PTT) gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, tổ chức quốc tế, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam…

Về phía tỉnh Bạc Liêu có Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tham dự hội nghị này.

Nông dân tham quan  mô hình thí điểm lúa chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa CLC và PTT gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” được Thủ tướng phê duyệt, ban hành theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023. Đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung vào 200.000ha có điều kiện về hạ tầng sản xuất và năng lực của các hợp tác xã trong sản xuất, liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp nhằm đạt tiêu chí lúa CLC, PTT; giai đoạn 2 (2026 - 2030) tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tiếp tục nâng cao năng lực của cả hệ thống để mở rộng thêm 800.000ha lúa CLC, PTT.

Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành và địa phương tham gia Đề án đã cơ bản ban hành đủ các văn bản pháp lý để triển khai Đề án, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất lúa CLC và PTT vùng ĐBSCL, kế hoạch đo đếm kết quả giảm phát thải để công bố hệ số giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo tầm quốc gia, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Đề án… Qua 7 mô hình thí điểm được triển khai tại 5 tỉnh, thành: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng từ vụ hè thu 2024 đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện tưới ướt khô xen kẽ và thu gom rơm ra khỏi đồng. Qua 4/7 mô hình thí điểm đã có lúa thu hoạch, cho thấy nông dân có thể giảm 20 - 30% chi phí, năng suất tăng 10%, thu nhập tăng 20 - 25% (lợi nhuận tăng thêm 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5 - 6 tấn CO2, tương đương trên 1 héc-ta và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 200 - 300 đồng/kg…

Tại hội nghị, bên cạnh tập trung phân tích, làm rõ các kết quả đạt được và những khó khăn, hạn chế, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp giúp thực hiện tốt Đề án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ định hướng mà các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới để thực hiện tốt Đề án và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, phải “thổi hồn” vào cây lúa bằng công nghệ số, bằng phát triển xanh, bằng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, bằng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải yêu quý cây lúa như là chính bản thân mình, từ đó mới tạo ra được cuộc cách mạng cho cây lúa vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Thực hiện tốt việc huy động nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực trung ương, địa phương, nguồn lực xã hội hóa để thực hiện Đề án. Sử dụng nguồn lực phải khoa học, hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin - cho, bao cấp, thủ tục hành chính rườm rà và làm sao để các nguồn lực đến tận địa phương, đến tận cơ sở sản xuất và người dân. Phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trước hết là tính tự lực tự cường của các địa phương và huy động sức mạnh của người dân; có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp… Qua đó, tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt các mục tiêu của Đề án càng sớm càng tốt. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ 11 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện trong thời gian tới và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện…

Tin, ảnh: Chí Thức - Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.