HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam: Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nghiêm trị đối với cán bộ có sai phạm
Chiều 17/2, đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh Bạc Liêu đã chủ trì hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2023.
Đồng chí Lê Thị Ái Nam - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cải cách tư pháp phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Trong năm 2022, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác CCTP và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là đa số các cấp ủy, tổ chức đảng đã quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác CCTP; nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác tư pháp có sự chuyển biến tích cực, ngày càng hiểu rõ hơn vai trò của các cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ Đảng, chính quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Tích cực tham gia đóng góp, xây dựng pháp luật ngày càng hoàn thiện, hiệu quả; việc quán triệt, triển khai, thi hành và bảo vệ pháp luật được thực hiện quyết liệt, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; các hành vi vi phạm pháp luật đã phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ đều được truy tố, xét xử đúng người, đúng tội. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động tư pháp và bổ trợ tư pháp ngày càng được nâng cao; các chỉ tiêu Trung ương giao hầu hết đều đạt và vượt; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng. Việc xác minh, xử lý tin báo, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được quan tâm đẩy mạnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp từng bước củng cố, kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu quả và đúng quy định. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp ngày càng chặt chẽ hơn. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng.
Trong năm, ngành Công an đã tiếp nhận hơn 1.245 tin báo, giải quyết trên 1.224 tin, đạt tỷ lệ hơn 90,3%; điều tra, làm rõ 366/453 vụ (đạt 80,8%), riêng án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, điều tra làm rõ 69/76 vụ (đạt 90,8%), khởi tố 514 bị can, thu hồi tài sản trên 3,5 tỷ đồng. Viện Kiểm sát 2 cấp trong tỉnh đã kiểm sát giải quyết 1.257 tin báo, tin tố giác tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 871/1014 bị can; thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 580 vụ/954 bị cáo. Đã ban hành 1.101 yêu cầu xác minh tin báo, 652 yêu cầu điều tra, 82 kiến nghị đối với cơ quan điều tra, 22 kiến nghị đối với Tòa án yêu cầu khắc phục vi phạm. Tòa án 2 cấp thụ lý 8560 vụ, việc các loại, đã giải quyết 6570 vụ, đạt tỷ lệ 76,75%. Thi hành án dân sự 2 cấp trong tỉnh cũng đã thụ lý hơn 16.123 việc, số có điều kiện thi hành là 9.408 việc; đã thi hành xong 6.382/9.408 việc.
Quang cảnh hội nghị.
Thảo luận tại cuộc họp, đại biểu các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thi hành án dân sự đã nêu lên những hạn chế, khó khăn và giải pháp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành Tòa án; Công tác giám định tư pháp; công tác phối hợp để tổ chức thi hành án dân sự; ý kiến của các địa phương liên quan đến chỉ đạo của cấp ủy trong CCTP, những tồn tại hạn chế trong công tác CCTP tại địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thị Ái Nam đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác CCTP năm 2022. Những kết quả, nhất là nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và CCTP được nâng lên rõ rệt. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Trung ương giao và đúng quy định pháp luật. Ban Nội chính làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CCTP, đặc biệt trong vấn đề tham mưu cho Ban chỉ đạo trong các mặt công tác liên quan đến công tác CCTP. Trưởng Ban chỉ đạo CCTP tỉnh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác CCTP.
Những hạn chế được đồng chí Lê Thị Ái Nam chỉ ra, đó là việc công tác giám định tư pháp chưa tốt; đội ngũ cơ quan tư pháp còn thiếu nguồn nhân lực; còn sai phạm trong thực thi công vụ như công tác thi hành án hình sự, một cán bộ tòa án bị khởi tố. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa, phòng chống tiêu cực và công tác tự kiểm tra, giám sát của tỉnh cũng còn chưa đảm bảo; tình hình tội phạm, nhất là ma túy có biểu hiện ngày càng gia tăng; tín dụng đen phát triển nhiều; tệ nạn trộm cắp ở địa bàn nông thôn có biểu hiện gia tăng.
Để làm tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, đồng chí Lê Thị Ái Nam đề nghị các cấp ủy đảng, nhất là ở các huyện, thị xã, thành phố tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác CCTP, làm sao phải có chuyển biến thật sự, có hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ, khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong năm 2022. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án kéo dài, dư luận bức xúc, quan tâm.
Thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Trung ương, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh có liên quan đến công tác CCTP; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCTP, đạt hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ.
Đề nghị các cấp ủy đảng của các cơ quan trong khối tư pháp, nhất là ở các huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng kế hoạch CCTP của đơn vị mình năm 2023, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và tổ chức bổ trợ tư pháp đúng theo tinh thần CCTP; phấn đấu không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; thực hiện đạt và vượt các chi tiêu Trung ương giao. Đẩy mạnh đấu tranh phòng ngừa và chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phải tiếp tục duy trì mục tiêu đã đạt được trong năm 2022. Cần phối hợp giải quyết chặt chẽ các vụ án hành chính, do quá trình triển khai thực hiện có nơi, có lúc vẫn chưa đảm bảo; cơ quan Thi hành án dân sự nâng cao tỷ lệ thi hành án dân sự đạt chỉ tiêu được giao.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối tư pháp quan tâm công tác xây dựng Đảng; tăng cường kỷ luật kỷ cương, góp phần xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh; tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tại các đơn vị; nghiêm trị đối với cán bộ có sai phạm, tuyệt đối không được bao che hoặc xử lý nhẹ tay vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của đơn vị.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cũng chỉ đạo, phải tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng với cơ quan bổ trợ tư pháp; phát huy hiệu quả các Quy chế phối hợp đã được ký kết, để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ, nếu cần thiết thì phải điều chỉnh, bổ sung. Kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, bổ sung đủ các chức danh tư pháp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên, chấp hành viên, thẩm định viên; kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm và biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám định, định giá tài sản, bảo đảm các kết luận chính xác, đúng quy định pháp luật, phục vụ có hiệu quả hoạt động chứng minh tội phạm và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án.
Tin, ảnh: K.P
- Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật
- UBND tỉnh họp thành viên thường kỳ tháng 11/2024
- Khởi tố, tạm giam đối tượng lừa đảo gần 1 tỷ đồng
- Xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình): Điểm sáng trong giảm nghèo bền vững
- Huyện Hòa Bình: Hơn 19 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững