HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính: Phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL
Sáng 6/3, tại tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ đề “Khát vọng nông nghiệp đất Chín Rồng xanh - sinh thái - bền vững,” do Bộ NN&PTNT và UBND 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phối hợp tổ chức. Về phía tỉnh Bạc Liêu, tham dự hội nghị có đồng chí Lữ Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần tập trung để phát triển toàn vùng nhanh và bền vững.
Khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39.700km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước, dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành Nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn thóc (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%).
Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật; đến hết năm 2021 có 69,6% số xã đạt chuẩn, bình quân 16,9 tiêu chí/xã, có 37 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2 địa phương là TP. Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Thời gian qua, đã đầu tư đồng bộ hệ thống kênh với 15.000km kênh trục và kênh cấp 1, 77.000km kênh cấp 2 và cấp 3. Đã hình thành các hệ thống công trình thủy lợi và hệ thống đê bao, hạ tầng cấp nước, hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tính đến nay, tỷ lệ số xã toàn vùng đạt tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn là 78% (gần bằng tỷ lệ này của cả nước - 79%).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.
Cùng với hệ thống hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp như Khu neo đậu tránh trú Rạch Gốc (Cà Mau), Hòn Tre (Kiên Giang), Kinh Ba (Sóc Trăng), Cung Hầu (Trà Vinh), Bình Đại (Bến Tre), cửa sông Soài Rạp (Tiền Giang)...; các cảng cá, bến cá Tắc Cậu, Bình Đại, Gành Hào, Trần Đề… Các hệ thống cơ sở hạ tầng trên đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL cùng lúc chịu nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn như: với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía Đông và Tây, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động biến đổi khí hậu.
Phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước, như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì, làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam. Những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững. Sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe và chất lượng, an toàn thực phẩm.
Theo mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL, đến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018. Lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động. Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 75%; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính theo các cam kết...
Quang cảnh buổi hội nghị.
Để đạt mục tiêu trên, ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL; các nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ĐBSCL là vùng có tiềm năng, lợi thế rất lớn, điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp nói chung thuận lợi nhất trên phạm vi cả nước, được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vì sao ĐBSCL vẫn chưa phát triển nhanh, bền vững, chưa phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về phát triển ĐBSCL. Thủ tướng cũng lưu ý, hội nghị bàn về nông nghiệp ĐBSCL nhưng trong bối cảnh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ lớn hơn nhiều nông nghiệp trong tổng GDP của vùng, tức là không chỉ bàn về nông nghiệp mà phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế. Thủ tướng yêu cầu nâng cao năng suất lao động trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức, liên kết. Đồng thời, vấn đề rất quan trọng khác là giải bài toán thị trường một cách căn cơ khi thời gian qua, chúng ta tích cực giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại cửa khẩu biên giới theo tinh thần vừa giải bài toán trước mắt, vừa phải có giải pháp chiến lược, lâu dài. Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị huy động nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược; đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ "bàn tay, khối óc" của mình.
Tin, ảnh: H.T - C.L
- THỦ TƯỚNG TRAO QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM VÀ GIAO NHIỆM VỤ CHO 2 TÂN BỘ TRƯỞNG
- Khai mạc Hội chợ thương mại - Triển lãm sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu năm 2024
- Tập huấn chuyên sâu về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- Hội Cựu chiến binh TP. Bạc Liêu: Tổng kết công tác Hội năm 2024
- Tỉnh Bạc Liêu và Quảng Ngãi chia sẻ kinh nghiệm về công tác chống khai thác IUU