BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026
Cập nhật, bổ sung kiến thức mới về bầu cử cho chức sắc tôn giáo
Mới đây, tại Trường Chính trị Châu Văn Đặng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mở hội nghị tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho gần 400 vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các hệ phái tôn giáo, tín ngưỡng dân gian và Hội kiến họ người Hoa trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này nhằm kịp thời cung cấp thông tin, bổ sung kiến thức mới về bầu cử cho các nhà tu hành, góp phần cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.
Tại hội nghị, các đại biểu được cấp phát đầy đủ tài liệu hỏi - đáp về bầu cử. Trong đó có 3 nội dung chính, gồm: Khái quát về bầu cử ĐBQH; những điểm mới trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng công tác chuẩn bị của các cấp, các ngành tiến tới bầu cử vào ngày 23/5 diễn ra thành công tốt đẹp.
Nội dung kiến thức cập nhật, bổ sung cho đại biểu tập trung nhiều vào điểm mới trong quy định về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, đây là lần thứ ba cuộc bầu cử được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước và là nhiệm kỳ thứ 2 thực hiện theo Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. So với nhiệm kỳ trước, trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều, vì vẫn áp dụng Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015. Tuy nhiên, vì Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sửa đổi, bổ sung nên đã ít nhiều tác động đến công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Văn bản hướng dẫn của các cơ quan cũng có nhiều điểm mới để phù hợp với quy định của luật mới sửa đổi.
Thứ nhất, về điều kiện quốc tịch khi tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND: So với nhiệm kỳ trước, khi thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải bảo đảm tiêu chuẩn chỉ có một quốc tịch Việt Nam.
Thứ hai, về số lượng, cơ cấu ĐBQH, đại biểu HĐND: Theo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 thì số lượng, cơ cấu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có sự thay đổi so với trước. Cụ thể, về số lượng đại biểu HĐND: cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu; cấp huyện giảm 5 đại biểu; cấp tỉnh giảm 10 đại biểu. Số lượng ĐBQH được ấn định là 500 đại biểu (bằng số ĐBQH được bầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV); nhưng số đại biểu chuyên trách tăng từ 35% lên 40%.
Hội nghị tuyên truyền về bầu cử cho các vị chức sắc tôn giáo và người có uy tín diễn ra tại Trường Chính trị Châu Văn Đặng. Ảnh: T.Đ
Ở cấp tỉnh: Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh không có chức danh Chánh Văn phòng HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh phải là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Ở cấp huyện: Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp huyện. Ở cấp xã: Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và có thêm các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp xã.
Thứ ba, việc xác định độ tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2019: Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 2 khóa Quốc hội, HĐND hoặc ít nhất trọn một khóa. Nam có năm sinh từ tháng 2/1966, nữ có năm sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây. ĐBQH tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ trở lên tính đến tháng 5/2021; nam có năm sinh từ tháng 8/1963, nữ có năm sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây. Riêng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là cán bộ Quân đội, Công an thì thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.
Ông Kim Miên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, lực lượng chức năng được phân công nhiệm vụ đang tổ chức nắm tình hình, xây dựng các phương án đối phó, phòng chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào cuộc bầu cử; đồng thời có biện pháp phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử. Đặc biệt, các biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan dịch COVID-19 đang được các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội quan tâm hàng đầu. Và mọi thứ đang được tỉnh chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho ngày hội lớn của toàn dân.
TẤN ĐẠT
- Kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh - Lê Thị Ái Nam: Sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và cử tri đã làm nên thành công cuộc bầu cử
- Công an Bạc Liêu: Bảo vệ an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử
- Nhiều hoạt động hướng về học sinh
- TP. Bạc Liêu: Thực hiện Tết Quân - dân đến hết ngày 24/1
- Phó Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn tại Bạc Liêu
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc tết các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ
- Bộ đội Biên phòng gặp mặt báo chí đầu Xuân