Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)
Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta.
Ở mốc son lịch sử này, quân và dân Bạc Liêu cũng đã ghi những dấu ấn vẻ vang trong đại thắng chung của dân tộc. Trong thời khắc quyết định đó, Bạc Liêu đã được giải phóng không phải nổ súng, không đổ máu từ sự mưu trí, dũng cảm và quan trọng hơn hết là đã tạo được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Người dân Bạc Liêu tự hào, háo hức hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: H.T
Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trước tình hình so sánh tương quan lực lượng ở miền Nam thay đổi có lợi cho ta, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975, 1976. Kế hoach nhấn mạnh: “Cả năm 1975 là thời cơ” và “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Nhanh chóng nắm bắt “thời cơ vàng” và kịp “hòa nhịp” cùng cả nước, Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ xây dựng chiến lược độc đáo khi đề nghị lên khu ủy Tây Nam Bộ xin chuyển đổi phương châm tiến công, từ vũ trang, chính trị, binh vận sang phương châm chính trị, binh vận đi đầu. Đối với việc chỉ đạo mũi chính trị: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra lời kêu gọi gửi cho toàn thể đồng bào trong tỉnh; đồng thời ra Lời hiệu triệu gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, động viên nỗ lực, thần tốc xông lên, tự lực, tự cường, tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã nhịp nhàng với giải phóng toàn miền Nam. Và khi chỉ đạo mũi binh vận: Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên huấn in trên 10.000 truyền đơn với nội dung kêu gọi binh lính, sĩ quan, nhân viên, công chức chế độ Sài Gòn quay về với cách mạng...
Đại thắng mùa Xuân 1975 của toàn miền Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố rất quan trọng là sức mạnh to lớn của quần chúng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiêu biểu như Cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 đã mở ra vùng giải phóng 15 xã, 200.000 dân, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán tại Paris; hay trong cuộc chiến địch ráo riết bình định, gom dân, giai đoạn 1969 - 1973, nhưng quân và dân tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ vẫn kiên định, vững vàng, bám đất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Lực lượng vũ trang tỉnh bằng đòn tiến công quân sự đi trước một bước để tạo đà cho quần chúng nổi dậy phá thế kềm kẹp, diệt và làm tan rã gần 6.660 tên địch, diệt và bứt rút trên 100 đồn bót, giải phóng 94 ấp, trên 105.000 dân; tiếp nối là các cuộc tiến công đều khắp trong tỉnh, đỉnh điểm là chiến dịch toàn thắng từ tháng 12/1974 - 1/1975, tiêu diệt trên 1.800 tên địch, bứt rút 55 vị trí, 71 đồn bót, giải phóng hoàn toàn xã Ninh Thạnh Lợi, cộng dồn giải phóng 143/310 ấp…
Sáng 30/4/1975, khi Đài Phát thanh giải phóng thông tin quân ta đã tiến vào Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thì ở Bạc Liêu, Đảng bộ, quân và dân địa phương vô cùng phấn khởi, các cơ sở và lực lượng khởi nghĩa của thị xã đã sẵn sàng chờ lệnh xuống đường. Đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng yêu cầu Đại tá Điệp lệnh cho chi khu, đồn bót giao cơ sở, đồn trại cho quân giải phóng; thả tù chính trị, mở cửa phóng thích học viên Trung tâm Huấn luyện Dân trí. Đến chiều 30/4/1975, tỉnh Bạc Liêu hoàn toàn giải phóng nhanh gọn và không đổ máu.
HOÀNG UYÊN
- Sức sống mới ở những vùng căn cứ cách mạng
- Thế hệ sinh năm 1975: Trưởng thành cùng quê hương Bạc Liêu
- Đại thắng mùa Xuân 1975: Minh chứng thuyết phục về sức mạnh đoàn kết dân tộc
- Bạc Liêu - Cà Mau chiếm gần 30% tiềm năng điện gió ven bờ cả nước
- Bàn giao 101 máy quét Căn cước và thiết bị sinh trắc học cho các cơ sở y tế