Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh giải phóng tỉnh Bạc Liêu (30/4/1975) không đổ máu

Thứ Sáu, 28/03/2025 | 09:33

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bạc Liêu là kết quả của quá trình lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác đại đoàn kết dân tộc một cách tài tình và xuất sắc, phối hợp chặt chẽ lực lượng tôn giáo, dân tộc và cách mạng trong các ngày của tháng Tư lịch sử để Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu giành lại chính quyền từ tay chính quyền Sài Gòn sớm hơn các tỉnh trong đồng bằng sông Cửu Long và không đổ thêm máu.

Mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc năm 1975. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng

Đoàn kết là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu dẫn đến nhiều thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Như Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công, phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Người chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.

Nhận thức rất rõ vấn đề có ý nghĩa chiến lược này, trong chống Pháp, chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng, tổ chức Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng với những tổ chức thành viên theo ngành giới, để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương thành lập Ủy ban Mặt trận các cấp tỉnh, huyện, xã, các đoàn thể giải phóng khẩn trương thành lập, sớm hình thành hệ thống Mặt trận bao gồm các thành viên Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. Đại hội thông qua Tuyên ngôn và Chương trình 10 điểm của Mặt trận, cụ thể hóa một số chính sách, công tác Mặt trận trước mắt.

Để phù hợp với tình hình chung của cả nước, Tỉnh ủy Sóc Trăng (Năm 1957 đến tháng 11/1973, lúc này khu vực Bạc Liêu nằm trong tỉnh Sóc Trăng) họp mở rộng tiếp thu Nghị quyết Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Xứ ủy, đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ nổi bật nhất là thành lập Ủy ban Mặt trận, tỉnh, huyện, xã, vận động các giới nhân sĩ, trí thức, tôn giáo, dân tộc tham gia. Tháng 6/1961, tại huyện Hồng Dân Đại hội đại biểu các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo đoàn thể chính trị trong tỉnh khai mạc. Đại hội thảo luận tán thành Tuyên ngôn và Chương trình 10 điểm của Ủy ban Lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; bầu ông Lê Hoàng Chu, Nhà giáo, nhà cách mạng làm Chủ tịch. Đến cuối năm này, hầu hết các ủy ban huyện, xã trong phân ban đều được thành lập, thu hút rộng rãi các cá nhân tiêu biểu. Ngoài các thành viên đại diện Đảng, lực lượng vũ trang đoàn thể giải phóng, còn thu hút đại diện các tôn giáo Cao Đài, Phật giáo, sư sãi, Acha, Ban Quản trị Khmer, đại biểu người Hoa...

Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh ra sức kêu gọi đoàn kết bằng nhiều hình thức để thực hiện đoàn kết toàn dân, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp xã hội, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, đoàn kết các đảng phái, nhân sĩ yêu nước, đoàn kết trong Đảng, trong chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang... Chiến lược đó đã được quán triệt, thể hiện trong đường lối, chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng và trong từng chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực. Đảng bộ đã thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân được biểu hiện qua các chính sách nhất quán của Đảng đối với các giai cấp dân tộc, kể cả với tù hàng binh. Các chính sách đúng đắn của Đảng, chính quyền cách mạng có sức thu hút mạnh mẽ mọi người dân hướng về cách mạng, trong khi đó kẻ địch càng ngày càng bị cô lập về chính trị, nội bộ phân hóa. Vấn đề dân tộc, tôn giáo, Đảng bộ Bạc Liêu nắm chắc Cao Đài phái Minh Chơn đạo Hậu Giang tập hợp được lực lượng Phật giáo, tín đồ Công giáo bằng chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng, bằng khẩu hiệu “Độc lập tự do và ruộng đất”, đã cơ bản làm thất bại âm mưu địch lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống lại cách mạng.

Nét đặc trưng này thể hiện rất rõ ở Bạc Liêu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong những ngày giải phóng tỉnh Bạc Liêu, 30/4/1975. Đảng bộ cùng với toàn thể nhân dân Bạc Liêu đứng lên giành chính quyền không đổ máu và sớm hơn các tỉnh, thành khác. Ở thời điểm này, Đảng bộ Bạc Liêu thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận xây dựng kế hoạch kết hợp với Ban Tuyên huấn, Ban binh vận, thị xã ủy Bạc Liêu, các đoàn thể cấp tỉnh tập trung 3 mục tiêu : Phát triển nhanh lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở và lực lượng chính trị khởi nghĩa trọng điểm tỉnh lỵ, đẩy mạnh công tác binh vận. Ủy ban Mặt trận phân công các thành viên trực tiếp tham gia các lĩnh vực tấn công do ban chỉ huy Tổng công kích - tổng khởi nghĩa tỉnh điều động như Giáo sư Trần Thanh Hồng - phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận trực tiếp tấn công chính trị binh vận Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp và xây dựng cơ sở trong nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo; Lý Hồng Quốc - phó Chủ tịch Ủy ban phụ trách thường trực Ủy ban Mặt trận, gắn liền Ban chỉ huy Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa tỉnh thay đồng chí Trần Tấn Tài được Ban thường vụ Tỉnh ủy phân công thường trực cơ quan Tỉnh ủy.

Đầu tháng 4/1975, Thường trực Ủy ban Mặt trận tỉnh cùng Ban chỉ huy Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa tỉnh lần lượt gặp các đầu mối cơ sở hợp pháp nội ô thị xã Bạc Liêu như Thượng tọa Thích Hiển Giác, phó Ban đại diện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; Thích Quảng Thiệt - Chánh Thư ký Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu; Đỗ Khắc Tường nòng cốt trí thức thuộc lực lượng thứ ba;… nghe báo cáo tình hình và giao nhiệm vụ. Riêng ông Thích Quảng Thiệt, lúc này là phó ban tử thủ tỉnh Bạc Liêu, do Tỉnh trưởng Điệp thành lập theo lệnh Tổng thống Thiệu để kịp thời báo cáo tình hình âm mưu địch cho lãnh đạo tỉnh. Riêng mũi tấn công chính trị binh vận vào Tỉnh trưởng Điệp và đám tề ngụy đầu sỏ có triển vọng tốt : giáo sư Trần Thanh Hồng đại diện phái Cao đài Hậu Giang Bạc Liêu và Thượng tọa Thích Hiển Giác sau hai lần gặp Điệp với tinh thần “Trao đổi hiện tình đất nước, cứu vãn họa binh đao” đã thấy Điệp tuy miệng quyết tử thủ theo lệnh cấp trên nhưng lộ rõ sự lo lắng, dao động; tấn công đám tề ngụy đầu sỏ bước đầu ta liên hệ được một số nhân vật chấp nhận liên lạc với cách mạng như thiếu tá Quận trưởng Vĩnh Lợi, 3 đại úy bảo vệ sân bay và hậu cần, Trưởng ty Y tế, 2 Nghị viên Hội đồng tỉnh, hàng chục hạ sĩ quan và binh lính khác.

Sáng 28/4/1975, theo kế hoạch đồng chí Lê Quân đi đường họp pháp vào nội ô, nhưng gặp trở ngại không gặp người đón nên đồng chí quay về, đến sáng sớm hôm sau 29/4/1975 được ông Thích Quảng Thiệt đón về chùa Vĩnh Đức. Đồng chí liên hệ làm việc với số cán bộ bám trụ nội ô kiểm tra tình hình chuẩn bị, chỉ thị công việc tới… Sau đó, nghe hai ông giáo sư Trần Thanh Hồng và Thượng tọa Thích Hiển Giác đi gặp tỉnh trưởng Điệp về báo cáo lại:“Theo kế hoạch, lần này hai ông đặt thẳng với Điệp là tình hình khẩn cấp, tỉnh trưởng nên gặp Mặt trận để bàn bạc thương lượng, chúng tôi sẽ làm sứ giả hòa bình”; Điệp suy nghĩ hồi lâu nói “Sài Gòn đang bị căng kéo, nhưng tôi là quân nhân phải chờ lệnh cấp trên”, Điệp hẹn lại ngày mai (tức 30/4/1975) gặp lại. Đồng chí Lê Quân nhận định: “Rõ ràng Điệp đã phân hóa và bàn kế hoạch ngày mai cùng đi với hai ông để gặp Điệp với danh nghĩa đại diện Mặt trận”. Tối đó đồng chí gặp một vài cán bộ cơ sở nội ô bàn tổ chức lực lượng quần chúng treo cờ Mặt trận và xuống đường đòi “Đại tá Điệp thương lượng hòa bình với Mặt trận” để làm áp lực; bàn với nữ đồng chí Năm Thanh chức sắc Cao đài Hậu Giang đang ở tại chùa khẩn trương mua vải may sẵn số cờ Mặt trận.

Sáng ngày 30/4/1975 đồng chí Lê Quân theo dõi Đài Giải phóng biết được các cánh quân của ta đã tiến vào Sài Gòn. Đến 9 giờ 30 phút giờ Sài Gòn (tức 8 giờ 30 phút giờ Hà Nội), tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài Sài Gòn “…Tôi tin tưởng vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngừng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào”. Tiếp đó, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thay mặt tổng tham mưu trưởng trung tướng Vĩnh Lộc, đọc nhật lệnh: “…Yêu cầu tất cả tướng lĩnh và quân nhân các cấp phải triệt để thi hành lệnh của tổng thống Việt Nam cộng hòa về ngừng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam cộng hòa phải sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện một cuộc ngừng bắn không đổ máu”.

Đánh giá thời cơ tấn công buộc tỉnh trưởng Điệp đầu hàng đã đến. Đồng chí Lê Quân, giáo sư Trần Thanh Hồng và Thượng tọa Thích Hiển Giác chủ động đến dinh tỉnh trưởng gặp Điệp. Đồng chí Lê Quân lấy danh nghĩa đại diện Ủy ban Mặt trận tỉnh Bạc Liêu trình bày với Điệp tình hình chiến cuộc, chính sách khoan hồng của Mặt trận và đề nghị Điệp sớm giao chính quyền cho cách mạng. Tỉnh trưởng Điệp nhìn nhận chế độ Sài Gòn đang nguy cấp, nhưng y còn tự tin khả năng tử thủ và hi vọng ở sự cứu cánh của vùng 4 chiến thuật và can thiệp của Hoa Kỳ, Đoàn ta tập trung tấn công vạch rõ với Điệp: Chính tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố không còn trách nhiệm với tình hình Nam Việt Nam, còn vùng 4 chiến thuật đang bị quân giải phóng tấn công đang cơn hấp hối, tử thủ là con đường chết. Con đường thực tế và có lợi nhất là ly khai chế độ Sài Gòn, giao chính quyền cho Mặt trận sẽ được chính sách khoan hồng, để binh sĩ và đồng bào không đổ máu vô ích. Nếu để cuối cùng bị bắt thì trở thành tù binh, có tội với nhân dân, với lịch sử…Trong khi Điệp còn lần lựa thì ngoài đường phố cờ Mặt trận xuất hiện ở khu cư xá sĩ quan, chợ nhóm, cầu Kim Sơn,…quần chúng thị xã Bạc Liêu xuống đường ngày càng đông kéo về Tòa hành chính tỉnh, đòi Tỉnh trưởng thương lượng hòa bình với Mặt trận! Nhiều binh sĩ vứt bỏ súng, cởi áo lính nhập vào đoàn quần chúng. Cuối cùng tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp chấp nhận giao chính quyền cho Mặt trận, đề nghị được hưởng chính sách khoan hồng và nhờ Đoàn ta cùng với Điệp thuyết phục đám đàn em ở tiểu khu. Điệp giao cho Đoàn Mặt trận chiếc xe Zíp do tài xế Bo lái làm phương tiện đi lại. Đồng chí Lê Quân đại diện Mặt trận tỉnh Bạc Liêu tuyên bố: Chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ hoàn toàn, từ giờ này chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân. Đồng chí kêu gọi đồng bào hãy ủng hộ, bảo vệ chính quyền, xây dựng cuộc sống mới; kêu gọi binh sĩ viên chức chính quyền buông súng đứng về hàng ngũ nhân dân để được hưởng chính sách khoan hồng của Mặt trận! Tiếng hoan hô vang dậy.

Tiếp đó, Đoàn đại diện Mặt trận cùng Điệp đến làm việc với sĩ quan tiểu khu; đến Khám lớn thả tù chính trị; mở cửa phóng thích khóa viên trung tâm huấn luyện tân binh “Dân trí”; Điệp điện ra lệnh cho các chi khu, đồn bót giao cơ sở cho đơn vị quân giải phóng tiếp quản; lệnh tiểu khu cho một số xe đón rước đoàn tiếp quản của tỉnh từ cầu Sập về tiểu khu; rước các tiểu đoàn của tỉnh vào chốt các vị trí trọng yếu. Toàn thắng 30/4/1975 diễn ra nhanh, gọn, vẹn nguyên, không đổ máu.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, lịch sử của tỉnh Bạc Liêu đã chứng minh rằng, Đảng bộ đã nắm vững phương châm hành động đúng đắn của công tác binh vận. Kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang thành sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công tạo thế và lực mới tiên lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Với phương châm trường kỳ mai phục, súc tích lực lượng, chuẩn bị thời cơ, phát động toàn Đảng, toàn dân đều làm công tác binh vận, biến lực lượng của địch thành lực lượng cách mạng. Đồng thời, kết hợp phương châm hai chân, ba mũi, tấn công địch trên cả ba vùng chiến lược, xây dựng phát huy tốt khối thực hiện đúng đắn công nông binh liên hiệp. Công tác binh vận tỉnh Sóc Trăng đã vận dụng một cách thuần thục các phương châm về binh vận, địch vận trong hoàn cảnh điều kiện của tỉnh.

Việc kết hợp giữa đấu tranh binh vận với đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đây vừa là nguyên tắc, vừa là qui luật của binh vận. Nó thể hiện quan điểm bạo lực của Đảng ta. Trong suốt quá trình chỉ đạo cách mạng, Tỉnh ủy luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc này, khi có thời cơ hay tình hình thắng lợi tác động mạnh ta phát động quần chúng và gia đình binh sĩ, với khí thế nổi dậy tấn công binh vận, tấn công chính trị, kết hợp với tấn công vũ trang. Ba mũi tấn công liên tục làm tan rã bức rút, bức hàng, vận động binh biến, diệt ác và thúc đẩy khởi nghĩa ở từng đơn vị hay đồn bốt địch. Ở từng giai đoạn cách mạng, từng chiến dịch, từng trận đánh, quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy thể hiện rất rõ về 3 mũi giáp công. Nổi nhất là sau năm 1970, lực lượng 3 mũi của ta đã luồn sâu bám trụ, rầy dựng cơ sở, dồn sức tiến công bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt, làm tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Lực lượng vũ trang của ta đã biết vận dụng sáng tạo và đúng mức công tác binh vận để phục vụ cho việc tiêu diệt sinh lực địch. Trong công tác vũ trang tuyên truyền phát động quần chúng, công tác binh vận đã tạo thế cho 2 phong trào chính trị và vũ trang từng bước vươn lên và đến lượt mũi chính trị, vũ trang sẽ tác động thúc đẩy mũi binh vận phát triển.

Ba mũi giáp công thực chất là phương thức tấn công địch bằng bạo lực chính trị và vũ trang của quần chúng, là phong trào toàn dân đánh giặc trong tình hình mới, mang tính tự giác, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1954 – 1975 đã chứng minh, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của “ba mũi giáp công” thì sẽ không giành thắng lợi. Đó là sáng kiến của cách mạng miền Nam và được Đảng ta tổng kết thành hình thức tổ chức độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân và nét nổi bật của phương pháp cách mạng Việt Nam.

Kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nhân lên sức mạnh của thế và lực tiến tới đánh bại kẻ thù  xâm lược. Mũi tiến công binh vận nhằm đánh vào ý chí xâm lược của quân đội viễn chinh Mỹ, đánh vào tư tưởng và tổ chức của quân đội và chính quyền Sài Gòn - lực lượng Mỹ sử dụng làm tay sai, làm công cụ thực hiện chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới. Công tác binh vận có nhiệm vụ làm cho những binh lính Mỹ và chư hầu đang tham chiến trên chiến trường Việt Nam hiểu rõ chân lý, thấy rõ tính chất phản động của cuộc chiến tranh xâm lược mà Mỹ đang thực hiện ở Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đồng thời làm những binh sĩ và nhân viên của chế độ Việt Nam Cộng Hòa thấy rõ bộ mặt xâm lược của Mỹ, độc lập và dân chủ giả hiệu của chính quyền mà Mỹ đã dựng lên ở miền Nam, thức tỉnh ý thức dân tộc, đưa họ trở về với nhân dân để cùng nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. 

Công tác binh vận không thể tiến hành một cách đơn độc mà phải dựa vào sức mạnh bạo lực hoặc dựa vào ảnh hưởng của sức mạnh bạo lực quân sự và bạo lực chính trị, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự để tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Lịch sử cho ta thấy, với vị trí là mũi tiến công chiến lược, binh vận có cách đánh riêng rất độc đáo và lợi hại mà các mũi khác không thể thay thế, đó là huy động được sự tham gia của tất cả mọi tầng lớp nhân dân, kể cả gia đình binh sĩ địch, tận dụng được thế hợp pháp, đấu tranh trực diện với địch trong nhiều trường hợp mà chúng không có cớ để đàn áp. Tuy nhiên, sự độc đáo đó chỉ có thể được thực hiện khi có sự hỗ trợ mạnh mẽ của đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Ngược lại, mũi vũ trang cũng như mũi chính trị nếu thiếu sự phối hợp của binh vận thì có thể phát huy được sức mạnh.

Đảng ta đã sử dụng sức mạnh của ba mũi để làm công tác binh vận được vận dụng dưới nhiều hình thức và mức độ linh hoạt đó là liên hiệp đồng thời cùng một lúc ba mũi hoặc chỉ kết hợp từng hai mũi với nhau. Ba mũi giáp công đã trở thành nghệ thuật, nghệ thuật tổ chức, nghệ thuật chỉ huy, nghệ thuật phối hợp, trong đó mỗi mũi là một nhân tố của sức mạnh tổng hợp. Sử dụng sức mạnh của ba mũi giáp công để đánh địch là vấn đề thuộc về nguyên tắc tư tưởng chỉ đạo, một phương pháp tiến hành chiến tranh, là một nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Binh vận của tỉnh Bạc Liêu là thực tiễn góp phần vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và đường lối chiến tranh nhân dân bách chiến bách thắng của Đảng. Đường lối đánh địch bằng sức mạnh tổng hợp, hai chân, ba mũi, 3 vùng cho phép Đảng ta phát huy cao nhất sức mạnh của quần chúng cách mạng, một người có thể đánh địch bằng 3 mũi của nhân dân, kẻ địch lúc nào, ở đâu cũng bị tấn công. Một binh sĩ địch khi giác ngộ cách mạng trở thành nội tuyến, sẽ phát huy 3 mũi tiến công ngay trong lòng địch, đánh đau, đánh hiểm mà kẻ địch không thể đối phó.

Sau 50 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025) thống nhất đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh Bạc Liêu đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi trên các mặt hoạt động, xứng đáng là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, là cơ sở chính trị quan trọng của chính quyền Nhân dân, tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Nội dung, phương thức hoạt động đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Các tổ chức thành viên kết nạp mới trên 150 nghìn đoàn viên, hội viên, nâng tổng số lên trên 430 nghìn người, chiếm trên 47% dân số toàn tỉnh; Mặt trận các cấp đã tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và các tổ chức thành viên, triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Đồng thời, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với cấp có thẩm quyền và cùng với chính quyền chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân. Trong công tác dân tộc, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào có đạo, phát huy vai trò của các vị chức sắc tôn giáo và người uy tín trong cộng đồng dân cư làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được nâng cao; phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” và các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thực sự mang lại ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Công tác vận động quỹ “Vì người nghèo” được trên 75 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa trên 770 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ trên 1.000 căn. Hằng năm, 100% khu dân cư đều tổ chức ngày hội đại đoàn kết dân tộc, trong đó có trên 96% khu dân cư tổ chức phần lễ và phần hội, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân và cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp về dự, tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Qua đó, đã khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc được phát huy mạnh mẽ.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong tỉnh và toàn miền Nam là một trong những chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, nó “mang ý nghĩa quốc tế và thời đại sâu sắc”; là thắng lợi của mọi người Việt Nam yêu nước, yêu chính nghĩa. Thắng lợi đó đã tạo nên nền tảng vững chắc củng cố, tăng cường phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đó là dấu mốc mới, tiếp tục khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, năng lực trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình./.

Th.s Trịnh Thị Lý

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Quang Ân, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân dân Quốc gia, Viện Sử học, (2003), Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 – 2002), Nxb Thông Tấn xã.

2. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (4/2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, tập 1, (1927 – 1975)

3. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng (1999), lịch sử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, tập II (1954-1975), Xb 1999

4. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, (2002), Báo cáo Tổng kết công tác Binh vận của tỉnh Bạc Liêu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 5. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, (2002), Tổng kết công tác Binh vận tỉnh Sóc Trăng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

6. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo số 65-BC/TU “về việc thực hiện Chỉ thị 01 – CT/71, tháng 01 năm 1972.

7. Ban chỉ đạo và Ban Biên tập truyền thống Tây Nam bộ (2000):Tây Nam bộ 30 năm kháng chiến (1945 – 1975).

8. Ban chỉ đạo tổng kết cuộc chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (2000): Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi và bài học.Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Nguyễn Thị Bình và tập thể tác giả (2001): Mặt trận Dân tộc giải phóng – Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Pari về Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

10. Bộ Quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam (2013): Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), tập III (Đánh thắng chiến tranh đặc biệt), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

11. Bộ Quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam (2013): Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), tập IV (Cuộc đụng đầu lịch sử), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

12. Bộ Quốc phòng – Viện lịch sử quân sự Việt Nam (2013): Lịch sử kháng chiến chống  Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), tập IX (Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

13. Trường Chinh (1985), Mấy vấn đề quân sự trong cách mạng Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

14. Chủ trương và nguyên tắc hoạt động binh vận của cộng sản miền Nam. Tài liệu lưu tại Thư viện Trung ương Quân đội.

15. Quỳnh Cư (1980), “Tìm hiểu “Đội quân chính trị” của quần chúng trong cách mạng Việt Nam”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, tr.73-80.

16. Đường lối công tác binh vận (VL00008490 – 8492) – Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Thông tin khoa học quân sự BQP.

17. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1954 – 1975, (1995), Nxb Chính trị Quốc gia.

18. Lược sử 30 năm kháng chiến của lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng, (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng), 11/1993, Nhà in Sóc Trăng.

19. 50 năm binh địch vận. Tài liệu lưu tại Thư viện Trung ương Quân đội.

20. Những bài học kinh nghiệm chính về công tác vận động quân đội địch của Đảng ta. Tài liệu lưu tại Thư viện Trung ương Quân đội.

21. Quân đội nhân dân Việt Nam – Tổng cục Chính trị (2002) : Tổng kết công tác binh – địch vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

22.Tổng kết công tác binh vận tỉnh Sóc Trăng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975. Tài liệu lưu tại Thư viện Trung ương Quân đội.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.