360 độ học đường
Ai cũng được đến trường…
Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Thế nhưng, vì nhiều lẽ riêng mà “ham muốn tột bậc” “ai cũng được học hành” của Bác khó có thể thực hiện được…
Hơn 1 năm qua, mẹ tôi cứ mãi một điệp khúc với nhỏ em vừa lên lớp 6 của tôi: “Lớn tồng ngồng rồi mà tập vở, dụng cụ học tập cứ để mất. Mẹ không có nhiều tiền để lo cho cái thói chểnh mảng, hậu đậu của con nghen! Năm nay mà còn cái tật đó nữa thì nhừ đòn với mẹ”. Đọc được nỗi lo sợ mơ hồ trong mắt em, tôi đoán rằng dường như em đang cố giấu che một bí mật nào đó! Và tôi quyết tâm làm “thám tử” khám phá “bí mật” của em. Nhà cách xa trường chỉ vài trăm mét, nên em thường đi bộ đến trường. Đến trước cổng trường, em ngồi bệt xuống ghế đá, mắt láo liên xung quanh như đang tìm kiếm ai đó. Vài phút sau, một cô bé trạc tuổi em xuất hiện. Dù mặt mũi cô bé ấy lấm lem, quần áo cũ kỹ nhưng nụ cười vẫn toát lên vẻ thông minh.
“Sao giờ này bạn mới tới? Tôi chờ bạn từ nãy tới giờ”, nhỏ em tôi nhanh nhảu. “Tôi tranh thủ bán thêm ít tờ vé số để có tiền mua thuốc cho thằng Út và má. Bữa nay má bệnh không đi bán được, nên tôi tới trễ”, cô bé phân trần. “Bánh mì nè, bạn ăn đi, sáng mẹ tôi mua cho tôi đó. Nhưng tôi không đói! Còn đây là tập sách, vài cây viết và mấy bộ quần áo cũ của tôi và tụi bạn cùng lớp tặng đó”.
Chỉ chờ có thế, tôi bước ra giả vờ nghiêm nghị: “Chị Hai bắt quả tang Út lấy đồ dùng học tập, sách vở cho người lạ nghen! Hèn chi cứ nói dối mẹ làm mất đồ hoài. Chuyến này về nhừ đòn với mẹ vì cái tội tài lanh nè!”. Nhỏ em tôi òa khóc nức nở, còn cô bé kia thì năn nỉ tôi đủ đường. Thì ra, ba cô bé bị tai nạn giao thông trên đường đi làm hồ về nhà, dù gia đình đã dốc hết sức lực tiền của nhưng vẫn không giành lại được ba cô bé từ tay tử thần. Mẹ cô bé một nách hai con, làm lụng cật lực nhưng vẫn không đủ sống. Học hết lớp 4, cô bé phải khép lại ước mơ đến trường, hàng ngày cùng mẹ và đứa em nhỏ bán vé số khắp các cung đường, ngõ hẻm để đắp đổi qua ngày.
Dù vậy, khát khao đến trường vẫn không bao giờ tắt trong lòng cô bé ấy. Một lần, thấy cô bé thập thò sau cửa sổ trường tiểu học, nhỏ em tôi đã chủ động làm quen và tụi nó làm bạn đến bây giờ. Em tôi vừa là bạn, vừa là “gia sư” truyền lại kiến thức trên lớp cho cô bé. Nghe cô bé kể, trong xóm trọ nghèo của em còn rất nhiều đứa trẻ không được đến trường.
Tôi cố nén tiếng thở dài khi nghĩ về cô bé kia và những phận đời trắc trở, phải giã từ giấc mơ đến trường bởi gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền. Ước gì cuộc sống này sẽ không còn những mảnh đời bất hạnh như thế và ai cũng được đến trường như tâm nguyện của Bác.
HOÀNG PHÚC (phường 1, TP. Bạc Liêu)
Bạn muốn chia sẻ ước mơ của mình? Hãy gửi bài viết về địa chỉ: Báo Bạc Liêu, số 16, đường Lê Văn Duyệt, Phường 3, TP. Bạc Liêu hoặc email: chaukhanhbaobl@gmail.com. Cuộc thi viết “Ước mơ của tôi” dành cho tất cả thanh thiếu niên trong tỉnh, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 2/4/2016 đến 15/11/2016. Dự kiến công bố kết quả và trao giải vào ngày 20/11/2016. Giải thưởng cao nhất lên đến 2.000.000 đồng. Muốn biết chi tiết về thể lệ cuộc thi, bạn có thể truy cập vào website: www.baobaclieu.vn.
- Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân 2025
- Chăm lo Tết cho người dân còn khó khăn ở vùng ven biển
- Hơn 40 sản phẩm tham gia Cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm du lịch tỉnh Bạc Liêu
- TP. Bạc Liêu: Đưa 2 tuyến đường trọng điểm vào khai thác
- Nghị định mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng