360 độ học đường

Gặp lại thầy giáo cũ

Thứ Hai, 27/11/2017 | 16:49

1. Mới đó thôi, mới ngày nào rưng rưng tạm biệt thầy giáo chủ nhiệm, mắt ướt nhẹm ngoái đầu nhìn lần nữa ngôi trường 3 năm gắn bó, nhìn ký túc xá với bao kỷ niệm thân thương, bịn rịn không muốn rời trường, vậy mà thoáng chốc đã 15 năm. 15 năm, những thay đổi thì nhiều vô kể nhưng những thứ để lãng quên thì không nhiều. Tôi làm sao quên được người thầy chủ nhiệm 3 năm liền với tính cách nhiệt tình, thân thiện…

Minh họa: Internet

Thầy dạy bộ môn Ngữ pháp tiếng Việt và Ngôn ngữ học. Tôi gàn lắm, trong khi các bạn trong lớp cố gắng tập phát âm để tránh những âm thường phát sai thì tôi vẫn cứ ngổ ngáo với giọng quê của mình. Mấy bạn bảo tôi sửa tiếng vì nói “nẫu” lắm, tôi cố chấp cãi “chửi cha không bằng pha tiếng”. Như biết được ý nghĩ bảo thủ đó của tôi, thầy đã nói rất nhẹ nhàng trong tiết học: “Phương ngữ thì vùng miền nào cũng có nét đẹp riêng nhưng khi giao tiếp với người ở địa phương khác, đặc biệt là khi các em trở thành người đứng lớp thì phải dùng từ toàn dân”.

Trong các tiết dạy, thầy thường gọi học sinh lên bảng, yêu cầu chép một bài thơ và đọc diễn cảm bài thơ đó. Đến lượt mình, tôi viết chữ nghiêng ngả, cả lớp cười ồ, thầy nghiêm mặt và bảo: “Buổi tối, các em ở nội trú nên lên lớp cầm phấn và tập ghi bảng, mai mốt học trò nhìn chữ cô thầy mà rèn chữ đấy! Chúng ta lại là thầy cô giáo dạy văn, văn là người…”.

Rồi thầy yêu cầu tôi đọc bài thơ vừa chép. Tôi ngoan ngoãn làm theo. Tôi đọc với giọng địa phương đặc sệt…, cả lớp cười ngắt nghẽo, tôi đỏ mặt, nặng nề đi về chỗ ngồi. Thầy yêu cầu lớp không được cười và bắt tôi quay lại bảng đọc lại bài thơ, tôi vẫn đọc như cũ. Thầy chỉ ra những từ phát âm sai, yêu cầu tôi đọc lại, vẫn sai… Không bỏ cuộc, thầy kiên trì dạy tôi cách phát âm môi, đầu lưỡi, thầy cứ đọc mẫu rồi bắt tôi đọc đến tròn vành rõ chữ mới thôi. Là những cô thầy dạy tiếng Việt, bảo tồn bản sắc vùng miền không có nghĩa là nói tiếng địa phương trên lớp. Thầy căn dặn những lưu ý khi sử dụng từ địa phương.

2. Tôi đi dạy, nơi tôi đến là vùng núi nhưng học trò là dân tản cư phía Bắc vào nên các em phát âm rất chuẩn. Có lần, một đồng nghiệp trong tiết chào cờ đã nhận xét rằng: “Tập thở lớp 9A chưa tốt…”, thế là học sinh cười ồ lên, có tiếng thẽ thọt: “Thể” mà thầy lại nói “thở”. Sau những buổi học, tôi thường nghe học sinh phàn nàn nhiều thầy cô nói tiếng “nẫu” quá. Thật may là thầy đã giúp tôi sửa những lỗi cơ bản đó trước khi cầm phấn.

3. Dạo trước, tôi đi khám bệnh ở phòng khám tư nhân, thật bất ngờ, tôi gặp thầy ở đó. Dù nhận ra thầy nhưng tôi vẫn ngồi im vì mệt chứ không cố lại chào thầy một tiếng. Chiều hôm đó tôi về, cho đến giờ, lòng cứ bứt rứt vì đã không lại khom đầu trước thầy. Là một cô giáo, gặp lại thầy giáo của mình không một tiếng chào thì tôi sẽ nói gì về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt với những học trò mình đang dạy? Không được, nhất định tôi sẽ về lại trường xưa trong một ngày không xa để hỏi thăm sức khỏe của thầy, chứ không phải để nói những lời tri ân sáo rỗng.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.