360 độ học đường
Hai điểm trừ và một bài học quý giá
Từ những năm đầu của bậc tiểu học, tôi được biết đến là một học sinh viết chữ đẹp. Bằng chứng là tấm giấy khen của Phòng GD-ĐT tặng năm lớp 2 chứng nhận tôi đoạt giải 3 cuộc thi Vở sạch chữ đẹp cấp huyện.
Ảnh minh họa: B.T
Tôi còn được nhiều người “khen” rằng, chữ của tôi viết đẹp giống chữ người lớn. Chữ người lớn là thế nào nhỉ? Tôi bắt đầu mường tượng, đó hẳn phải là những nét chữ đứng đắn, chững chạc, nhất thiết phải pha chút “rồng bay phượng múa” và một yếu tố không kém phần quan trọng theo nhận thức “non nớt” của tôi đó là phải viết nhanh. Viết thật nhanh mà ra chữ đẹp ấy mới là người viết chữ đẹp. Và rồi tôi bắt đầu thử “người lớn hóa” nét chữ của mình...
Từ những nét chữ hài hòa, tròn đều và nhã nhặn, nay chúng lại biến thành điệu đà, xiêu vẹo và láu cá. 1 tuần, 2 tuần rồi đến tháng này qua tháng khác trở thành quen tay, quen ý thức và quen luôn cách viết chữ... láu. Từ một người được nhiều người lấy làm gương về việc viết chữ đẹp, nay lại không muốn để người khác nhìn thấy cách thức trình bày cẩu thả, chữ viết nguệch ngoạc. “Nghiêm trọng” hơn ấy là việc tôi đánh mất thói quen viết chữ đẹp ngày nào. Còn nữa, cũng chính vào giai đoạn mất phương hướng về chữ nghĩa đó, ba tôi lại mua về một bộ máy vi tính mới toanh với lý do khác người: “Nhà bên cạnh mua được, nhà mình cũng mua được”.
Kể từ ngày đó, tôi xem chiếc máy vi tính làm “ông chủ” của mình, ngày lẫn đêm tay, mắt tôi cắm cúi vào đó. Năm lớp 4, tôi đã đi khoe với bạn bè và nhiều người khác nữa là tôi đã đánh chữ trên vi tính bằng mười ngón tay nhanh, thành thạo, chuẩn xác. Nghịch lý xảy ra, càng thuần thục đánh máy bao nhiêu thì nét chữ tôi viết càng bừa phứa và tệ hại bấy nhiêu. Đến nỗi, hễ bài tập làm văn nào cô giáo cũng mặc định trừ 2 điểm của tôi vì lỗi “chữ khó đọc hơn cả chữ… bác sĩ”. Người thân, bạn bè của tôi thì cạnh khóe rằng, mới học tiểu học thôi mà tôi đã trở thành “bà chủ trang trại gia cầm”, ý chê bai nét chữ của tôi giờ như gà bới.
Để khỏi mất 2 điểm “vô duyên” và lấy lại niềm tin với tất cả, bắt buộc tôi phải trở về và tìm cho bằng được nét chữ thuở vỡ lòng mà mình đã đánh mất. “Nét chữ - nết người”, tôi viết đi viết lại câu tục ngữ của tiền nhân ấy hàng ngàn lần, qua hằng đêm. Vài tháng sau, tôi mới viết lại chữ đẹp bình thường, được cô giáo khen “văn hay chữ tốt”, tôi thấy còn sung sướng hơn gấp mấy lần những lời khen gõ bàn phím nhanh. Hai điểm trừ ấy đã dạy cho tôi bài học về đức tính từ tốn, nhẫn nại và khiêm nhu tối ưu cho cuộc sống.
Võ Thị Thu Hà
- Sở Nội vụ Bạc Liêu nhận Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích tiêu biểu, xuất sắc
- Huyện Phước Long: Phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt trên 28 ngàn tỷ đồng
- Sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Đề án 1371
- Huyện đoàn - Ủy ban Hội LHTN huyện Vĩnh Lợi: Triển khai chương trình công tác năm 2025
- Vệ sinh mái Nhà hát 3 nón lá để phục vụ Nhân dân vui xuân, đón tết