360 độ học đường

Hai điều thầy băn khoăn

Thứ Hai, 03/12/2018 | 16:28

“Các em học quá nhiều; giữ mình đối với giáo viên là cuộc chiến”. Thầy Kh. - dạy văn ở một trường THPT huyện Phước Long, có thâm niên gần 25 đứng lớp đã nói từ ruột gan 2 điều băn khoăn ấy ngay trong Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua.

Các em học sinh bây giờ học nhiều quá, nào là học chính khóa, phụ đạo, nào là học bồi dưỡng, học ngoại khóa, học thêm… Thầy biết điều đó, nhưng không sao thay đổi được - đối với thầy đó là bi kịch. Thầy còn tự trách mình khi chính thầy gây ra áp lực học tập lên vai học trò. Học sinh học đến mức không có thời giờ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, đến việc ăn uống đôi lúc phải giải quyết trên yên xe. Các em đã bị lấy đi tuổi thơ!

Điều trăn trở thứ hai của thầy tổ trưởng bộ môn Văn là thu nhập của giáo viên khá thấp, trong khi kỳ vọng của xã hội vào ngành Giáo dục quá cao. Thầy dẫn chứng một giáo viên mới đi dạy, lương 3,6 triệu đồng/tháng, cống hiến 15 - 20 năm, lương chỉ tầm 7 - 8 triệu đồng/tháng. Đồng lương “ba cọc ba đồng” mà công việc nhà giáo thì nhiều vô kể, nên đối với quý thầy cô việc giữ mình là một cuộc chiến. Ngược lại với điều này là một kỳ vọng quá lớn của xã hội, phụ huynh, người học đối với những người đứng trên bục giảng. Thầy Kh. thẳng thắn bày tỏ giáo viên cũng là con người, cũng có cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố, có lúc trong một khoảnh khắc không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến hành vi, hành động chưa đúng. Khi đó cái tin ấy lập tức bay nhanh và bay xa, nhiều người sẵn sàng buông lời phê phán, chì chiết - dù có thể họ chưa hiểu ngọn ngành câu chuyện, điều đó làm tổn thương giáo viên. Giữ “lửa nghề” trong bối cảnh ấy khó lắm thay!

Cả hội trường nín lặng như nuốt từng lời và tràng pháo tay to, dài cho đến khi thầy Kh. về đến chỗ ngồi đã cho thấy sự đồng thuận, đồng cảm, sẻ chia của mọi người đối với người vừa phát biểu. Hai điều thầy Kh. bày tỏ không phải là mới, cả xã hội đã biết, nhưng dường như chỉ dừng lại ở đó, cách gì để thay đổi thì chưa rõ. Khi tôi đem câu chuyện của thầy Kh. kể với vài phụ huynh, giáo viên và đồng nghiệp thì nhận lại nhiều câu chuyện như dẫn chứng, làm rõ thêm ý của thầy Kh. Có người còn thử lý giải nguyên nhân, người khác thì bày tỏ thái độ không đồng ý với việc học nhiều của con trẻ, thậm chí là lên án. Song chính họ cũng không thể làm gì khác ngoài việc đi theo cái guồng quay “học như một cái máy” của con em mình. Từ đó cuộc “chạy trường, chạy lớp, chạy cả giáo viên”, “chạy” chỗ ngồi tiếp diễn và ngày càng quyết liệt. Cái cặp của học trò ngày thêm nặng, oằn cả lưng thiếu niên, nhi đồng, ghì chặt tuổi thơ vào trang sách, cuốn vở. Sự học ấy có lợi gì cho tâm hồn con trẻ, có đem lại sự thành công cho ngày mai, hay chỉ thỏa mãn thành tích, kỳ vọng của phụ huynh, nhà trường?! Phải chăng đó là sự bất lực của toàn xã hội!

Còn lương bổng của người thầy, đã ra nghị trường Quốc hội, vào Nghị quyết của Đảng “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Từ chủ trương đến khi được luật hóa, đi vào cuộc sống cần có thời gian. Trong lúc chờ đợi điều tốt đẹp đó trở thành hiện thực thì câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ vận vào vẫn hợp “Tiêu dụng lấy chi mà phao phúng, thường giữ ba cọc ba đồng/ Mùa màng dành để có bao nhiêu, chừng độ một chiêng một bó” (bài thơ “Hàn Nho phong vị phú”).

Nghĩa Lập

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.