360 độ học đường
Học trò quê
Ảnh minh họa: B.T
Rời giảng đường đại học với tấm bằng loại khá, tôi may mắn thi đậu vào biên chế một năm sau đó. Hôm cầm tờ quyết định trong tay, tôi không khỏi vui mừng, háo hức. Thế là niềm mong ước trở thành giáo viên bấy lâu nay đã thành hiện thực. Tôi sẽ về công tác tại một ngôi trường thuộc diện khó khăn của huyện.
Ngôi trường cấp II nằm khá sâu trong xã. Bà con nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Vì thế, những học sinh trường tôi, ngoài giờ học trên lớp còn phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng tùy vào sức lao động của mình; có em phải lặn lội mò cua bắt ốc để có tiền đi học. Hôm đầu tiên nhận lớp, nhìn những gương mặt hốc hác, lam lũ, tóc vàng hoe nắng cháy của đám học trò nhỏ, tôi không khỏi chạnh lòng. Học trò quê có khi phải đi bộ xa vài cây số mới đến được trường. Ước mơ có chiếc xe đạp đến lớp đối với các em là điều xa vời trong khi cha mẹ phải chạy gạo ăn từng bữa. Có những hôm trời mưa, nhìn cảnh học sinh xắn quần đến gối, tay cầm dép, tay cầm túi nylon đựng sách vở cho khỏi ướt đi đến lớp mà thấy thương các em quá đỗi. Khó khăn là vậy, nhưng học trò quê tôi lúc nào cũng vui tươi, hồn nhiên đùa giỡn và ngày nào cũng đến trường, đến lớp đầy đủ.
Là một giáo viên mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tự nhủ với bản thân càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa vì những học trò nghèo hiếu học, đến trường với ước mơ đem con chữ thắp sáng cuộc đời mình. Nhìn những nụ cười hồn nhiên, trong sáng trên khuôn mặt đen nhẻm của các em, dường như làm tôi quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả của những đêm dài thức soạn giáo án, quên đi những giọt mồ hôi rơi trên bục giảng hằng ngày.
LƯƠNG THẾ TRÂN
(Giáo viên Trường THCS xã Phước Long)
- Tặng 200 suất quà cho người dân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới 2025
- TP. Bạc Liêu: Tuyên truyền cá biệt thanh niên vi phạm luật giao thông
- Thăm và hỗ trợ tiền đợt 2/2024 cho thương binh Huỳnh Tấn Sĩ
- Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu tổ chức chương trình rút thăm may mắn
- Bộ KH-ĐT: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 ước đạt khoảng 6,8 - 7%